NẮNG VÀ MƯA
TRẦN XUÂN AN
NẮNG VÀ MƯA
thơ
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ
1991
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi nghĩ rằng Trần Xuân An thuộc về những nhà thơ đang hiếm dần quanh ta bây giờ, những con người sinh ra để mãi mãi nhớ về một mảnh đất vùng sâu của đời người, gọi là Quê Nhà. Giống như bao người, An lớn lên để giã từ quê nhà, để ra đi, để trôi giạt… Nhưng dù ở đâu, cả trong giấc mơ, tâm hồn An vẫn đi đi về về nơi miền quê đó, nơi cái quán nhỏ có màu tóc mẹ trắng dần theo năm tháng, nơi những con đường lầy lội suốt mùa mưa, nơi dòng sông ngụp lặn tuổi hoang dại, ôi, nơi đó rơm rạ làm bay lên dọc theo đời người cái mùi hương day dứt khôn nguôi của ruộng đất yêu dấu.
Nhưng thơ Trần Xuân An không phải được viết ra để giải toả sức nặng êm dịu của những kỉ niệm thời thơ ấu. Chính từ sức nuôi dưỡng của Lòng Mẹ, của tình bạn hay là của tình yêu trinh bạch thuở đầu, từ những gì đơn sơ được tiếp nhận trong khu vườn xanh biếc của con chim vành khuyên kia, Trần Xuân An đã gìn giữ chắt chiu thành vốn liếng tâm hồn để trở nên giàu có trong mối tương quan không ngừng nẩy sinh giữa người thơ và cuộc đời.
Có lẽ không nên tìm kiếm những điều mới lạ trong thơ Trần Xuân An. Nhưng bù vào đó, người ta sẽ bắt gặp một cái gì còn đáng quý hơn nhiều: đó là một hồn thơ điền dã, nỗi dịu dàng trong trẻo của nắng và gió trên đồng lúa, và lòng biết ơn nhân hậu của một người trước cuộc sống, dù qua bao nhiêu bất hạnh. Và đó chính là những của cải đáng giá của tâm hồn mà chỉ Đất mới có thể ban cho, và những cái đơn sơ lại hoá thành điều sâu thẳm, dõi theo năm tháng đời người.
Và Trần Xuân An đã giãi bày những điều ấy bằng một ngôn ngữ Thơ đích thực, không dễ mà có được. Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (*) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng.
Quảng Trị, tiết Xuân Phân 1991
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Cước chú của bài ”Lời giới thiệu” của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(*) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.
Lời thưa của tác giả
nhân dịp chép lại bản Nắng & Mưa xuất bản lần thứ nhất
để phát hành trên mạng liên thông quốc tế (internet)
Tôi không có ý định phủ nhận những gì đã viết và đã xuất bản, tuy nhiên, cũng xin thưa thêm một đôi lời ở bản chép lại này.
Trong một vài dòng giới thiệu ở phần gấp bìa 1, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết:
“… Thơ là trạng thái thăng hoa của tâm hồn. Đấy là khi cái vỏ bọc vô thức vỡ ra và tâm hồn bị dồn nén bỗng vút bay lên. Người thơ thường có “trạng thái tâm thần” là vậy. “Trạng thái tâm thần” của Trần Xuân An không ít, và khi anh làm chủ được ngôn từ, những ý tưởng đau đớn và cao đẹp bỗng lay động lòng ta.
Từ nhỏ, tôi vốn say mê hồn thơ điên lạ lùng Hàn Mặc Tử, giờ đọc An, không sao kìm nổi xúc động …”.
Và ở bìa 4, Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt cho in lại một vài dòng lời toà soạn trên một số Cửa Việt (chính xác là số 5, 1990), trong đó có câu: “Từ 1983, bị “bệnh tâm thần” nên nghỉ dạy, về làm thợ may ở quê nhà” . Nói đúng hơn, là thợ vắt sổ.
Nhưng điều hệ trọng nhất vẫn là ba chữ bệnh tâm thần và bốn chữ trạng thái tâm thần. Hai cụm từ này vốn được xã hội quen dùng như nhã ngữ, hàm nghĩa chính xác là bệnh điên, trạng thái bệnh lí cuồng điên. Tôi xin được in đậm hai cụm từ này và cẩn trọng đặt trong dấu ngoặc kép. Dấu ngoặc kép, theo nguyên tắc ngữ pháp, được sử dụng với vài dụng ý khác nhau. Ở trường hợp này, chỉ với ý nghĩa thường được gọi một cách hình ảnh là nháy nháy.
“Bệnh tâm thần”, “trạng thái tâm thần” với dấu nháy nháy có nghĩa không phải là bệnh lí thật sự, mà chỉ nhằm biểu đạt sự cường điệu, phóng đại một tâm trạng u uất, phẫn chí thông thường trong một thời điểm bức bối nhất định của xã hội và của văn nghệ sĩ trước Đổi mới và Cởi trói. Nói rõ thêm là với dấu nháy nháy, người viết cố ý dùng từ ngữ thiếu chính xác, lệch với nghĩa chuẩn, như một thủ pháp diễn đạt.
Sở dĩ có sự thể như vậy là bởi bản thân tác giả cũng có những ngày, những tuần thật sự bị xô đẩy và bị rơi vào tâm trạng bi phẫn, trầm uất, và đã viết dăm bài thơ điên, trong đó, yếu tố điên chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Tuy vậy, thơ điên của tác giả lại không điên chút nào cả, xét một cách toàn diện, về mặt cấu tứ, sử dụng từ ngữ và sáng tạo hình ảnh thi ca! Hoàn toàn không có một dấu hiệu rối loạn tư duy, cảm xúc nào! Yếu tố điên ấy chỉ là những chi tiết điển hình hư cấu nhằm biểu đạt trạng thái bức bối đến mức như thể phát điên của xã hội thời bấy giờ.
Về trường hợp Hàn Mặc Tử, ai cũng biết nhà thơ này không phải bị bệnh tâm thần phân liệt. Trạng thái tâm thần ở Hàn Mặc Tử chỉ là phó sản bởi nguyên nhân bệnh lí về thể chất. Đó là bệnh phong hủi (bệnh cùi). Vì bị bệnh phong hủi, nên ông bị thân nhân, bạn bè cách li do sợ lây nhiễm. Từ đó, Hàn Mặc Tử rơi vào tình trạng tuyệt vọng, cô độc. Bệnh phong hủi, một trong tứ chứng nan y thời đầu thế kỉ XX, cộng với tình cảnh cô độc, khiến Hàn Mặc Tử phát điên. Nói gọn hơn, điên ở Hàn Mặc Tử chỉ là một trạng thái tinh thần bị khủng hoảng, hệ quả của bệnh trạng phong hủi.
So sánh nào cũng khập khiễng.
Tác giả chưa bao giờ là một người mắc bệnh thực thể nan y, cũng không hề bị bệnh tâm thần thật sự (kể cả thể bệnh tâm thần nhẹ, nói chi đến thể tâm thần phân liệt vốn là một thể bệnh trầm kha nhất!), mà chỉ bị “sốc”, bị xô đẩy vào tình cảnh bế tắc trong sáng tác văn chương, nghiên cứu lịch sử và về nghề nghiệp, do đó bị rơi vào tâm trạng bi quan, phẫn chí tột độ mà thôi.
Xin trân trọng ghi chú đôi điều như trên để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, dẫn đến sự vô hiệu hoá tác giả trong mọi lĩnh vực xã hội.
Xin cảm ơn.
TRẦN XUÂN AN
28. 02. 2005
(20, Giêng, Ất dậu, HB. 5)
TÓC BAY SƯƠNG TRẮNG
kính tặng Mẹ
bây giờ ngoài mình mưa chưa
con nghe lành lạnh ngày thưa chân người
nhìn sông nước lã trôi xuôi
con như lạc giữa dòng đời đã lâu
bỗng dưng không biết từ đâu
bay ngang trời đất một màu tóc sương
con úp mặt nhớ quê hương
thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.
1973
TIẾNG CHUÔNG XƯA
sáng nay em đi chùa
lòng tôi buồn hơn xưa
một thời con dế nhỏ
ngậm sương mùa tương tư
một thời con kiến nhỏ
khóc vùi trên đường mưa
sáng nay em đi chùa
tóc em cài hoa xưa
thắp lên mùi hương khói
trên bình nhang linh hư
môi em thuyền bát nhã
xa tôi bờ đời mưa
ngắn dài câu gian dối
ướt sũng lời lọc lừa
sáng nay em đi chùa
em mặc áo người xưa
dìm tôi dòng mộng cũ
ngậm nhánh rong mơ hồ
sáng nay em đi chùa
lá ngủ còn hương xưa
tôi làm con chim nhớ
hót mừng ai giao mùa?
tôi là chim đổi xứ
tìm hoài mùa ngây thơ
tôi mang thân cổ thụ
níu mãi mây ngu ngơ
một đời còn thương nhớ
khi nghe tiếng chuông xưa.
1973
RUỘNG ĐẤT YÊU DẤU
sao lên chấm hết chiều công tác
về nhà, chống cửa, chè tươi thơm
hớp ngụm nước ấm môi ngọt sắc
chưa bao giờ lòng thanh thản hơn
xuống bếp mẹ già châm điếu thuốc
nụ cười trầu đỏ khoé môi nhăn
ánh lửa hắt lên đầu tóc bạc
khác chi cụm khói ráng chiều tàn
mấy liếp tranh xơ buộc lạt mới
đất nền đắp lại chửa lì chai
về quê vừa được dăm ba bữa
thở gió nồm thân mẹ trẻ hoài
gốc mít sần sùi bom chém cụt
tưởng chết oán hờn trong nắng mưa
chia nhau ba hướng ba nhành lá
dõi mắt xưa chờ bóng chủ xưa
quanh mương đất mới vùi lên cỏ
góc kia lửa ngún khói nồng thơm
con chim tu hú tròn mắt sững
dợm cánh lao mình kinh khiếp bom
nắng tưới đầm đìa gốc rạ mủn
chìm sâu khuất lấp cải dền xanh
ai cuốc, lòng níu chân chiều lại
nóng ruột tìm thăm hương đất lành
bom thức ruộng tròn nghìn mắt trợn
ngước ngó trời cao hận đóng vàng
thôi nhé, từ nay ngoan hiền khép
hỡi mắt quắc trừng khoé rách toang
cơ chi trời đất đừng đêm nữa
góp lúa mười năm chín một mùa
chao ơi, ao ước trong mùa tới
lúa chín từ lòng lúa chín ra
chừng đó, mít trĩu lừng hương ngát
vườn sau ớt đỏ, tím cà tươi
giàn hoa bầu bí vàng ong bướm…
bắc chõng nằm khuya hóng gió trời
chao ơi, chừng đó nghe trâu nghé
tiếng nhai cỏ ợ nhoà trong sương
đêm đêm nghe lại tiếng quẫy cá
mải vui, thao thức dưới bờ mương…
cơ chi chừng đó còn Bác sống
rước Bác về làng trải lúa xanh
cờ, hoa, kết ngọt cơm gạo đỏ
độn với bắp vàng, nhớ chiến tranh
thấp thoáng bóng người đầu ngõ trước
tiếng cười gió đẩy vào trong sân
nhà lên đèn tỏ êm câu hát
quẳng xa tàn thuốc, lòng bâng khuâng!
ở đây càng thấy ngây tình đất
nơi đâu đất cũng đất thật thà
cũng như rừng rú mùa chống giặc
rất chở che và rất thiết tha (*).
11.1975
Cước chú của bài ”Ruộng đất yêu dấu”:
(*) Tác giả có sửa chữa lại một vài chữ và phục hồi lại một hai đoạn theo bản gốc đã đăng trên báo Văn Nghệ Giải Phóng, năm 1975.
(TP.HCM., chú thích ngày 31. 03. 1999).
BÀI THÁNG GIÊNG
má đi chào ai năm mới
áo bay bay gió tháng giêng
tinh sương con gà đã đợi
gáy ran ngoài ngõ láng giềng
bầy chim đứng hót không yên
chuyền cành chíp chiu luyến láy
bươm bướm nhấp nhô nhấp nháy
như là đôi mắt thiên nhiên
nắng reo mướt tóc thanh niên
em thơ xênh xang áo mới
nụ cười bên đọt dứa hiền
tiếng pháo hồng treo khắp lối
mời nhau dăm múi sầu riêng
thấy vườn Mỹ Tho bùi ngọt
nối lửa đôi ba điếu thuốc
nghe xao xuyến trời Điện Biên
lời chúc câu chào huyên thuyên
rượu nồng bay trong mái lá
niềm vui tràn ra ngoài hiên
từng mảng nắng vàng rất lạ
thăm nhau thăm nhau tháng giêng
áo khăn nhạt rồi bóng tối
má ơi, nắng ngoài Hà Nội
bay vào thơm lúa Thừa Thiên
thoảng hương đất, nhớ tổ tiên
đã cho cái nương cái rẫy
thương, thương đàn con biết mấy
giữ gìn mùa xuân y nguyên
cây xanh tình Bác, thiêng liêng
lộc non nao nao lòng dạ
mơ ước về trong tay má
xin đời ngát mãi tháng giêng.
1976
NGƯỜI ĐÀN BÀ
GIỮA VÙNG RỪNG KHAI HOANG
người đàn bà ấy có đôi mắt thoáng buồn
hàng mi đen lấp lánh nắng
ngồi xới đất cho luống rau xanh non
hai bàn tay trắng hồng
trên màu đất của cánh rừng na-pan đốt cháy
ướt đẫm màu nắng mai đến muộn
người đàn bà ấy và tôi đều giật mình
tiếng trẻ con khóc
chị chạy vào nhà rửa tay và khẽ hát
lời ca thoáng buồn như đôi mắt
long lanh
giọng hát ấm áp như đôi tay trắng hồng
đặt trong nắng trộn hoà với đất
và tiếng cười trẻ thơ trong vắt
tiếng nựng con trong mái tranh
trên vùng rừng cháy đen đang sáng biếc chồi non
người đàn bà bỗng sáng loà trong khung cửa
cúi xuống mỉm cười
chợt thấy nụ cười mình nơi nụ cười con
và vùng rừng cháy đen bát ngát chồi non
lấp lánh trong mắt.
1980
KÍNH NHỚ PABLÔ NÊRUĐA (*)
từ một nơi xa xôi
sáng mai này, tôi nhớ
Pablô Nêruđa – “đất nước cánh hoa dài”
cánh hoa nổi trôi bão bùng bên biển cả
nổi trôi trên trang thơ
rực lửa
bao la
Pablô Nêruđa – trang thơ mênh mông
nối liền bao tấm lòng
cồn lên bao niềm khát vọng
tưởng như vòm trời tự do
trang thơ tung cánh hải âu
phơi phới giữa màu xanh thắm
tưởng như giữa trời buốt lạnh
thơ đốt bùng lửa ấm
soi tỏ mặt người
Pablô Nêruđa!
mỗi trái tim nhỏ nhoi
là quả chuông rung
xốn xang buốt chói
âm thanh toé tung bao vì sao chật cả trang đời
Nêruđa viết trong đêm dày
đặc khô bóng tối
Pablô Nêruđa – mênh mông như thiên nhiên
sức sống mãnh liệt thầm thì tuôn trào từ nguồn cội:
tự do – con người
tưới bằng máu và mồ hôi…
từ một nơi xa xôi
sáng mai này, tôi nhớ…
1982
Cước chú của bài ”Kính nhớ Pablô Nêruđa”:
(*) Pablo Neruda (1904 – 1973, Chi Lê), nhận giải Nobel 1971.
TẠ ƠN MẢNH ĐẤT QUÊ NHÀ
1.
quê nhà chiều gió bình yên
con về đây hỡi cõi miền yêu thương
rưng rưng nắng lọc hàng dương
con đường quê hỡi con đường vàng mơ
chim chuyền cành hót ngây ngô
con bươm bướm cũ bây giờ còn bay
con về đây con về đây
nghẹn lòng con giữa đất này quê hương
2.
ngọn đèn đêm vặn sáng hơn
bàn tay mẹ vẫn run run tủi mừng
hai hàng nước mắt rưng rưng
nụ cười mộc mạc thoáng bừng nắng phai
xóm giềng cũng đến sum vầy
tay con mềm lại trong tay bạn bè
3.
con nằm trong ánh trăng khuya
chợt thương sao tiếng tắc kè rừng xa
thác đồi mù sương mù sa
bàn chân tứa máu vượt qua vẫn cười
phố đông đường trổ gai đời
chân lao đao, bước chơi vơi, hãi hùng
mấy ai nhắc chuyện đục trong
đắng cay nay bởi chút lòng, mẹ ơi…
1982
ÁNH TRĂNG ĐẦU XÓM
chân chếnh choáng ánh trăng đầu xóm
cùng lên cao, ta ngợp màu trăng
trăng ngan ngát mênh mông động cát
ơi vầng trán yêu thương
môi lịm cả trăng ngần!
em mỏng mảnh mà bao la đến thế
em nép vào anh, anh hoá rừng dương
em chìm dưới anh,
nghe trời hửng rạng
biết giấu em nơi đâu,
ngoài giữa trái tim hồng
nhưng nắng lên rồi, sáng trưng và quá thật
gió muốn gào lên một trời rỗng không.
1984
GIỌT SƯƠNG
hai mươi tám năm
có gì đâu để nhớ…
một thoáng sương bay trên bến cũ
có đủ bâng khuâng người đứng trông về…
cơ hồ tôi ở xa về
với giọt sương đọng cả mùa trăng tuổi nhỏ
đọng cả trời mây nát nhầu giông gió
của một thời mới lớn đam mê…
và giọt sương rơi vào trí nhớ
lạnh cả lòng tay áp vào lòng tay trên trang vở
(tôi cùng em xao xuyến mấy mùa thi)
tỉnh lại cả dòng thơ rực rỡ nắng hè
cả hương sen ven thành xưa thấm vào lời tình tự…
và khát vọng trời cao và cánh gió!
cơ hồ tôi ở xa về
với cao nguyên thẳm sâu thác gào vách đá
tôi vượt qua bao cánh rừng khai hoang
giữa lòng tôi ngỡ muôn đời bé nhỏ
để đến với nụ cười viên phấn rừng khuya
nơi mãi thắp bùng ánh lửa
mới mẻ và hoang sơ
nơi tôi gắp những ý nghĩ của đáy lòng
chưa bị u mê vì sách vở
và giọt sương rơi vào trí nhớ
lóng lánh tháng năm…
thời gian tươi đẹp quá
kể cả đắng cay tủi nhục điên mê…
ơi giọt sương khuya
hãy lạnh ngón chân bấm trên lối về quá khứ
tỉnh lại những ngày qua còn khét nồng cuồng điên
phẫn nộ
mặt đất con người!
vòm trời tự do!
giọt sương
còn trôi đi như ánh sao băng phía chân trời lộng gió
để thắp bùng hừng đông rạng rỡ
chút ước mơ
“tầm vóc con người được đo bằng kích thước của tự do” (*)
mỗi cuộc đời một hành trình gian khổ
bắt đầu đi từ phía của riêng mình
góp vào hừng đông – chân trời cháy lên tất cả
và tôi – giọt sương, chỉ là giọt sương
lóng lánh hừng đông…
1984
Cước chú của bài ”Giọt sương”:
(*) Thơ Yannis Ritsos (1909 – 1990, Hy Lạp).
VÌ SAO
tặng Nguyễn Tấn Sĩ
ngày mai ngày mai ra sao
bài ca nao nao tuổi nhỏ
nửa đời vẫn còn bỡ ngỡ
trắng đêm trời cao xa mờ
băn khoăn thuở ấy ngây ngô
sao gọi vì sao lạ thế
và phải như lời bà kể
người có vì sao riêng chăng?
trời cao xa xanh ngàn năm
nỗi hồn nhiên thành kinh sợ
suốt ngày xôn xao không nhớ
đêm khuya hiện về, lắng sâu
vì sao, vì sao, vì sao
đời chung sao riêng phần số?
vì sao chia tan, gặp gỡ?
một nhà mơ ước khác nhau?
đường đời khởi tự nơi đâu?
từ giọt máu hồng lòng mẹ?
từ hạt mưa xanh trí nhớ
hoá vì sao nhỏ đưa đường?
nắng gió thổi loà trăm phương
chỉ lọt vào hồn một phía?
mắt ấy mẹ cho? đời mở?
hay hồn xoay lốc loạn cuồng?
hay để đời lung linh hơn
vì sao? vì sao? mờ? tỏ?
vì sao lung linh chuyện cổ
còn lung linh mãi ngàn sau?
bóng ma khói sương nào đâu
bụt tiên chỉ trong giấc ngủ
chỉ thấy lòng ai quỷ dữ
tình ai nhân hậu nhiệm mầu
đêm đêm ngước nhìn trời sao
thương ai tật nguyền từ nhỏ
ai chết bất ngờ mắt mở
ơi những kiếp người khổ đau!
qua bao đèo vui vực đau
ngẫu nhiên xui thêm run sợ
bao người co ro bé nhỏ
đêm đêm, mắt ướt, nhìn sao
mặc ngẫu nhiên thành trời cao
chen ngang bao điều định rõ
cho đời vẫn còn đối phó
thấy không thừa thãi chiếc đầu!?
trời xưa nào có mắt đâu
người phải cho trời đôi mắt
đâu phải chỉ là mơ ước… ?
phải chữa tận cùng khổ đau?!
tự thắp cho mình vì sao
hiểu đời hiểu mình, tất cả
và hồn nhiên như hoa lá
và sống không chịu cúi đầu
mỗi người là một vì sao
mỗi phận đời riêng, ẩn số
cuộc đời cứ như câu đố
có Trời cũng mặc Trời cao.
1985
GIẾNG HOANG
có một đôi mắt sáng
lặng lẽ nhìn giếng hoang
giếng lâu rồi im vắng
lại âm vang tiếng chân
giếng ngỡ lòng khô cạn
lại khơi trong nắng vàng
giếng yên đời quên lãng
lại xôn xao ánh trăng
lắng nghe lòng đất ấm
vọng gió trời xa xăm…
xin mắt ai mãi sáng
hồn em đừng bỏ hoang.
1885
THƯA VỚI MẸ
kính tặng Mẹ
hai năm hai năm con về nhà
hai năm ngồi trong cửa nhìn ra
vẫn con đường nắng loà bụi đỏ
mùa mưa về mưa bão lùa qua
hai năm hai năm con về đây
cơn đau con làm mẹ hao gầy
mái tóc bạc càng thêm bạc trắng
con cúi đầu úp mặt trong tay
những mong vơi buồn lo mẹ ơi
thêm tin ba mất ở xứ người
vành khăn trắng trắng phơ tóc trắng
thương con đau, mẹ khóc thầm thôi
nhiều đêm năm nước mắt chảy dài
thương mẹ già buồn trĩu hai vai
anh chị con đi không về nữa
mẹ con mình, côi cút, lạc loài
có một dạo cứ ngỡ lành rồi
con mừng, mẹ quá đỗi mừng vui
người con gái đến thăm ngày bệnh
thành dâu hiền, mắt mẹ lại tươi
ngờ đâu con lại trở cơn đau
vợ con lo, quay quắt, buồn rầu
mẹ lại lo thuốc thang tất tưởi
thương con, lại thêm nỗi thương dâu!
nên cứ mong nhà sẽ vui hơn
vợ chồng con có cháu mẹ bồng
con khoẻ ra, làm ăn thay mẹ
mẹ lại hồng hào bên cháu con
mẹ ơi, buồn lo giờ đã xa
giữa làng quê ấm áp thật thà
có cháu con đứng quanh lưng mẹ
nắng xin thơm tóc trắng tuổi già.
1985
TÔI MÃI HOÀI TÌM KIẾM
tôi mãi hoài tìm kiếm chính tôi
hi vọng gặp tôi với cuộc đời ở đó
qua bao chiều trí nhớ
qua bao nét chữ
qua bao giọt nắng giọt mưa giọt lệ
trong ống kính vạn hoa vạn điều đổ vỡ
vạn nghìn niềm vui say đắm khát vọng
chua xót đắng cay
mỗi bài thơ là một lần lắc tay
như một lần trái tim nhói thắt
tôi muốn kiếm tìm qua khúc xạ thời gian và kí ức
ôi trái tim vạn nghìn đoá hoa
vạn nghìn đổ vỡ
vạn nghìn niềm vui
say đắm
khát vọng
chua xót
đắng cay
cho tôi nhìn ra tôi và cuộc đời ở đó.
1987
BÀI MƠ
chiều nay ba đặt ca dao
ru cho bé ngủ ngọt ngào giấc mơ
mơ trời mưa xuống như tơ
cho ba vắt sổ và cho bé nhìn
trong mơ, mưa rất thần tiên
trên bàn vắt sổ mưa nghiêng tơ đời
sợi tơ nối với trăm nơi
bay quanh giấc ngủ nụ cười bé ngoan
rồi mơ ngọn nắng thật vàng
ba phơi tã lót thành đàn cò bay
cò từ đồng rộng về đây
nắng vàng nhuộm sáng cho ngày sáng tươi
dù mưa dù nắng con ơi
hát chi cũng hoá nên lời yêu thương
biết vui theo điệu ru buồn
ru con, con lại khơi nguồn cho thơ…
1988
MỘT CHÚT TỰ TRÀO
buổi sáng chợ đông cuống chân vắt sổ
chiều tối rảnh rang hò hát đôi câu
lúc hát ru con lúc hò giỡn vợ
cứ há răng cười đâu phải đi đâu
nằm ngó phượng kia gió rung lá nhỏ
ngọn gió Kẻ Diên còn hát trong khuya
gió cứ lay cây bên ngoài ngưỡng cửa
tiếng gió thâm trầm tôi ngủ u mê.
1988
TRĂNG NGOÀI TRỜI,
TRĂNG TRONG NHÀ
chiếc đen dầu con con
chiếu lên trần nhà thấp
sáng một vầng trăng tròn
soi cho con êm giấc
bé ơi, cứ ngủ ngon
ba nhìn vầng sáng tròn
ru con rồi tưởng thật
thấy trời gần mình hơn
cơ hồ mình bay lạc
ngủ cùng trăng sao luôn
trong mơ ba lại thức
rõ thêm cuộc đời thường… (?)
bé ơi, cứ ngủ ngon
trăng trên trần vẫn tròn
mẹ chưa thổi đèn tắt
trăng của con nội thắp
thật hơn cả trăng suông?
trăng ngoài trời vằng vặc
càng sáng vầng trăng con?
ờ, còn bao trăng khuyết
và những đêm tối om…
thì ngọn đèn vẫn thắp
trăng của con vẫn tròn
thì ba cũng vẫn hát?
giọng đen bừng sức vươn
ờ, giọng đen lắng trầm
giọng đen không chịu buồn?
bé ơi, đừng bật khóc
bé ơi, cứ ngủ ngon…
chiếc đèn dầu con con
chiếu vầng trăng không thật
cho trần nhà bát ngát
ơi vầng trăng dễ thương
soi đẹp giấc mơ con
vầng trăng ôi quái ác
xui ba nằm thao thức
nghĩ cái thật, không thật
cái tròn và cái khuyết…
bé ơi, cứ ngủ ngon
ngọn đèn đã thổi tắt
trăng cũng nên ngủ ngon
ba cũng nên ngủ ngon
với nghề đạp và đạp
việc gì lại thao thức
việc gì nghĩ mông lung
nhỡ đạp có sai đường
không lo đầu cúi thấp
trước tương lai của con…
nhưng còn dăm bài hát
ba phải hát ru con…
bé ơi cứ ngủ ngon.
1988
BÀI CA DIÊN SANH
1.
không đi đâu xa
sao lòng cứ nhớ
tiếng chân tuổi nhỏ
reo trên đất này
nhớ cả hôm nay
cảnh buồn cổng chợ
hạt gạo khuyết gầy
mùa màng quá khó
bạn bè đâu đây
tay dằn li vỡ
người đàn người gõ
hát đến la đà
không đi đâu xa
hát say là nhớ
đình ru chuyện cổ
bàng mát tuổi thơ
nhớ bao đêm mưa
đất nhoè đạn lửa
xác người nứt nẻ
phơi nghẹn ngã ba
nước mắt tràn ra
chạy cuồng bỏ xứ
đường làng lút cỏ
tìm không ra nhà
không đi đâu xa
hát say là nhớ
ơi bao giấc mơ
nuôi ta ngày đó
đâu mái đình xưa
điện mơ đường nhựa
bay trong hương lúa
diều ngân tiếng thơ
lẽ đâu bây giờ
đứa đàn đứa gõ
nghèo dần ước mơ
tay dằn li vỡ
ơi bài ca cổ
ơi Kẻ Diên xưa
Diên Sanh bây giờ
tràn li rượu đổ
Diên Sanh bây giờ
đàn đau mặt gỗ
hát vui ngờ ngợ
hát buồn ngu ngơ
không đi đâu xa
sao lòng cứ nhớ
Diên Sanh trong ta
hát say là nhớ
Diên Sanh quanh ta
ngất say còn mớ
ơi… Diên Sanh!
Diên Sanh! và bài ca cổ…
2.
Diên Sanh bừng thở
hát thật lòng ta
tự do gắn bó
Diên Sanh và thơ?
bao chiếc đàn thơ
là chìa khoá mở
bao cửa tự do
bung ra trong gió?
đàn không vỡ nữa
lương tâm hát ca
dây trói lòng ta
bung ra trong gió?
cứ nghe và ngó
chửi rủa hoan hô
nhưng loài cú vọ
đừng đụng đến thơ… ?
hoang tưởng hay mơ?
lòng không khép nữa
cuống chân vắt sổ
nhưng lòng hát thơ!
ngàn xưa nghiệt ngã
thơ vẫn còn thơ
luỹ tre dân dã
giấu bao câu hò…
lẽ đâu bây giờ
viết rồi xoá bỏ
thơ đành mù chữ
mà hát ầu ơ!
sau thời khổ sở
đời mở đường thơ
Diên Sanh thế đó
bừng dậy không ngờ?
Diên Sanh ngày xưa
lấp vùi trong cỏ
vượt lên khốn khó
chồi lại xanh mùa
Diên Sanh ngày xưa
nôi ta tuổi nhỏ
Diên Sanh bây giờ
cho thơ ngọn gió?
1988
TỪ CÂU NÓI NGÂY THƠ CỦA CON
kính tặng o Loan của Bé
o Loan giờ ở đâu?
– ở bên Mỹ… Mỹ Chánh…
– ờ, dù xa, xa lắm
cũng gần như vậy thôi…
trăm lo toan bối rối
khi sống giữa xứ người
vẫn thương về nhà cũ
hiểu con là nguồn vui…
o xa vẫn gần thôi
bao đêm mơ của Nội
o bồng con, cười nói
như chưa hề xa xôi
o xa vẫn gần thôi
nụ cười o để lại
nụ cười ấy, o mơ
trên môi con nở mãi.
1989
LỜI THIÊNG
ngỡ lòng tan nát chai mòn
thương con ba gắng xanh non cách nhìn
tìm xem truyện cổ thần tiên
nghe con bập bẹ lời thiêng đầu đời
bà bà mẹ mẹ ba ơi
tiếng yêu thương toả sáng ngời đôi môi
bà ơi mẹ ơi ba ơi
ngọn nguồn cái đẹp cũng lời đầu tiên
theo con ra cửa, trông lên
cùng con tập nói trước thềm tương lai.
1988 – 1989
BÀI THƠ RU BÚP BÊ
cho Phú và con
chưa đầy mười tám tháng
con đã biết ru em
ngân điệu hò vạn cổ
với tay đưa rất mềm
cũng nhịp nhàng êm êm
con hò rồi con dỗ
mắt búp bê cứ mở
cho con ru, ru hoài
thơ của ba đôi bài
dăm khúc ca quê ngoại
thấm vào hồn thơ dại
giờ con ru búp bê
nội mỉm cười ngồi nghe
mẹ đứng bên nhắc khẽ
(thơ ba làm vụng thế
cũng được thành ca dao!)
con đáng yêu biết bao
với điệu ru muôn thuở
cho chiếc nôi bé nhỏ
như trôi trên vô cùng
có chi là lạ lùng
con chưa tròn giọng nói
sao tiếng ru nguồn cội
cứ hồn nhiên à ơi
mấy phần tâm hồn người
đã tượng từ lòng mẹ
mấy phần xa hơn thế
tự nghìn xưa, bao đời
cứ ru đi, à ơi
đến búp bê bằng nhựa
cũng có tim rực lửa
toả chất thơ tình người
cứ ru đi, à ơi
con ru đi, à ơi…
1990
CÒN LẠI MỘT CHÚT HOANG TƯỞNG
mẹ đi khắp chợ rồi
chẳng nơi nào có cả
phố phường thì xa quá
quê hương đủ thứ nghèo
ba dành một buổi chiều
đạp xe đi Thành Cổ
tìm hoài mới ra chữ
mua về cho con chơi
mừng quá thấy con cười
nhìn hai tư chữ cái
nhưng rồi, không thích mấy?
hay chữ ít sắc màu?
ba chẳng biết làm sao!
hay tuổi con quá nhỏ
chưa hiểu trong chừng đó
là tất cả trên đời?
hay chữ mất thiêng rồi
chữ khô khan? léo lắt?
chỉ thích chơi với đất
đất chân thật thôi sao?
hay ba vẫn điên đầu
cứ như còn hoang tưởng?
chuyện nào có chi đâu
mà thắt lòng đau đớn!
1990
ĐÁNH THỨC
giai điệu nào quen quá
ở trong tôi bao giờ
hay tự thuở làm thơ
thương mắt ai buốt giá
hay rơi vào giấc mơ
một đêm trong quán lạ
hay vẳng từ hoa lá
chiều cao nguyên, tình cờ
từ ảo tượng run mờ
của cơn điên vật vã…
tôi ngồi nghe, hoá đá
tiếng đàn ai, không ngờ…
1990
NƠI ĐÂY LÀ NƠI ĐÂU
kính tặng BV. Tâm thần Hoà Khánh,
84 và 85 (*)
chung quanh, thành và rào
cửa sắt lạnh lùng đóng
bên ngoài kia, cõi sống
còn nơi đây là đâu?
thần kinh ai rối nhàu
ảo giác ai lạnh ớn
hoang tưởng ai rùng rợn
địa ngục có thật sao?
có thật tự trời cao
những thiên thần áo trắng
đã xuống trần thầm lặng
bên người điên khổ đau?
nơi đây là nơi đâu?
không phải là cõi chết
không phải điên là hết
không phải không phải đâu…
1990
Cước chú của bài ”Nơi đây là nơi đâu”:
(*) Đây là một bài trong chùm thơ viết về những bệnh nhân tâm thần sau vài chuyến “bị đi thực tế” (!) của tác giả. Về năm, chính xác hơn là 1983 và 1984.
NGHĨ VỀ “KHÁT VỌNG SỐNG”,
TẠ ƠN ANH EM VAN GỐC (*)
1.
bàn tay nâng chiếc cọ
hoá chồi búp tươi non
khung vải thành tâm hồn
hoa sáng bừng ở đó
ông vẽ lại phần số
từ kiếp sống tủi hờn
giờ hướng dương rực rỡ
vàng rực trái đất tròn
ôi thằng điên áo sờn
bị nhạo báng, chối bỏ
“khát vọng sống” cứ còn
ngờ đâu, đến muôn thuở
Têô (**) – trái tim đỏ
trên vòm trời chon von
để cái đẹp bung nở
cõi người ta đẹp hơn
2.
mẹ và chị và vợ
đời tôi có cả con…
“bệnh” hoang tưởng cuồng nộ
dù dịu đi từng cơn…
tận cùng đau lẫn khổ
chẳng đành chịu héo hon
tôi cũng chỉ là cỏ
trên đất thơ xói mòn!
mươi năm sau, nấm mộ
cỏ có được xanh rờn
kẻ chiến bại mệnh số
mộng sáng tạo, vùi chôn?
quên hết, sao quên ơn?
đời cho bao mối nợ
quên hết, sao quên ơn?
chết, hai mắt vẫn mở?
1990
Cước chú của bài ”Nghĩ về “khát vọng sống”, tạ ơn anh em Van Gốc”:
(*) Van Gogh, hoạ sĩ Hà Lan.
(**) Théo, anh trai của Van Gogh.
TẠ ƠN THẠCH HÃN
mồ hôi bao đời đã chảy thành sông
chảy ròng ròng giữa thiên nhiên nghiệt ngã
chảy tự chất người nghìn năm cứng bền như đá
đá đổ mồ hôi ngỡ mặn xót lòng
ơi Thạch Hãn Thạch Hãn
giữa trưa này, đi qua sông ngập nắng
sông mồ hôi kia vẫn chảy ròng ròng
tôi hiểu thêm chất triết chất thơ
sâu lắng mênh mông
đã bừng sáng vòm trời Quảng Trị!
Thạch Hãn ơi
tên sông có phải cha ông từng ngẫm nghĩ
hay tứ thơ hồn nhiên
chợt vút lên
từ chất xam chói loà chất đá
từ chất sống ngời ngời mồ hôi ròng rã?
qua bao thời
đá đổ mồ hôi
giữa nắng gió cháy nồng
giữa bão mưa buốt giá
và bây giờ, Thạch Hãn ơi
chất đá chất người chất thơ chất triết
sẽ chảy thắm những dòng chữ viết
như bao đường kênh, hoà thấm mạch đời
chất Thạch Hãn tuyệt vời
cho cả những kiếp người vật vã…
từ xa xưa, Thạch Hãn Thạch Hãn ơi
với thiên nhiên nghiệt ngã
đá đổ mồ hôi
và chẳng nghiệt ngã huỷ diệt nào
khiến đá chảy ròng
thành sông nước mắt
dù ngầu máu, đặc lềnh những xác
dù thuyền lúa thuyền hoa chìm đắm nghẹn dòng
dòng sống lại trôi
dòng sáng tạo lại trôi
sông mồ hôi lại thẳm sâu cất lên câu hát
trĩu nặng, bát ngát…
lặng thầm, cao trong…
mang nỗi đau hoá đá giữa lòng
nhưng chất Quảng Trị trong mình
có chút nào không
cùng gió mới, giữa trưa này, qua sông
hồn Thạch Hãn bảo tôi mỉm cười ngẩng mặt (*).
1990
Cước chú của bài ”Tạ ơn Thạch Hãn”:
(*) Trong một số thư tịch, như ”Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, hai chữ ”Thạch Hãn”, thường được viết với mặt chữ Hán có nghĩa là sự chặn lại, cản lại của đá [đối với dòng chảy của sông, làm sông chảy lệch dòng hoặc chảy xiết]. Tuy nhiên, Thạch Hãn với ý nghĩa mồ hôi đá vẫn được nhiều người mặc nhiên cảm nhận và đinh ninh với ý nghĩa triết luận như thế. Tôi thiên về ý nghĩa thứ hai như tứ thơ đã thể hiện. Ở đây không phải là vấn đề khoa học hay không.
(Chú thích năm 2005. TXA.)
CHO MÌNH VÀ CHO NHAU
”Tất Đạt Đa phải rời cung thành Phật
bởi chỉ ngai vàng đâu cứu được con người”
TXA.
nhập thân bao nỗi khổ buồn
thành từng pho tượng qua hồn nghệ nhân
muôn đời tố cáo trầm luân…
tượng còn nguyên đó, vô ngần đau thương!
cũng như La Hán Tây Phương
thiền sư ra trận, “xuống đường” (*) đó thôi
tiếng chuông ngân tự cõi đời
đau đời, đời ngộ nụ cười Phật hơn!
và bao người giữa đời thường
lòng nhân văn chẳng trầm hương siêu hình
không nương tựa những câu kinh…
vẫn chiêm ngưỡng tượng cho mình cho nhau
nhà thơ hôm nay mai sau
dù vơi gánh nặng khổ đau thuở nào…
xin tiếng chuông sâu và cao
vang từ gan ruột, vọng vào trang thơ…
1985 – 1990
Cước chú của bài ”Cho mình và cho nhau”:
(*) “Xuống đường”: biểu tình phản đối trên đường phố.
(Chú thích, 01. 3. 2005)
TRỐN VÀ GẶP
từng mẩu nhạc đứt nối như vọng về
từ cõi nào buồn thảm
những giọt cà phê đen hơn bao giờ
tìm thư giãn bên bờ sông
gió bất ngờ đắng chát
tôi ra đây thêm khùng dại điên rồ (*)
gầm cầu kia, thành nơi che nắng che mưa
không che nổi những xác người đứng ngồi khốn khổ
sống không cửa không nhà hoá hoang dã cổ sơ
lên ba rầu rĩ già nua, ba mươi ngẩn ngơ trẻ nhỏ
đất nước nghèo nhưng vẫn còn đất ở
cao nguyên xanh vẫn chờ người?
đã trôi giạt đến đâu,
sao lại về dưới gầm cầu thành phố
bán vé rủi may, làm điếm, bụi đời,
vắt khô nước mắt mồ hôi!
ra ngồi đây tìm chút thảnh thơi
chút xanh trong của trời và nước
cũng chỉ là người,
tôi chạy trốn khổ đau tâm hồn và thể xác
là người, tôi cũng thèm hồng hào
sung sướng yên vui
ai tìm chi địa ngục dưới bánh xe và chân người
địa ngục trong tia nhìn thương hại
địa ngục nơi bàn tay xua đuổi
địa ngục từ tiếng khóc đòi ăn giữa cổ họng há to
rẫy nương xanh có còn tươi đẹp giấc mơ
nếp tranh vàng mảnh vườn hoa trái
có phải quỷ ma đâu sao sợ hãi thiên đường?
thiên đường đơn sơ vì ai không dựng nổi?
trời nước rợn buồn nhợt tái
nhạc rối bời xáo trộn quặn lòng
tôi thảng thốt đến gần, như kẻ vô công điên dại
những đôi mắt lạnh tanh ơi,
cho tôi được chuyện trò không?
choáng váng trước be cầu
hiện lên
nét chữ buốt lòng
nhoà gạch nhoà than, lại bằng sơn, khắc đậm
đập, đập vào trán quay cuồng: VÌ HOÀN CẢNH…
hình như tôi chắp tay, đầu rũ xuống?
khóc, cười khan?
1991
Cước chú:
(*) Chỉ là cách nói tu từ (mĩ từ pháp).
DÙ SAO
đã riêng rồi một đời riêng
nỗi điên đảo bớt đảo điên bao giờ
mùa đông rực nắng tình cờ
thấy em đứng đó, ngó lơ, mắt loà
đã xa rồi một đời xa
vẫn không nhạt nổi em và ngày xưa
thời tôi vừa tạnh bão mưa
tim ta mê muội bỏ bùa cho nhau
đã đau rồi một đời đau
cũng đành là vậy, bỗng đâu không đành?
em bồng con dưới cây xanh
đi qua lại muốn đi quanh, ghé chào… (!).
1991
THƠ Ở NHÀ THƯƠNG
tôi bước vào cõi khổ kiếp người
– nhưng đây là nhà thương,
nhà thương – tôi thầm nhắc
với “bệnh điên” và “bệnh mắt” (*)
tôi tỉnh táo nhìn ra phần kia – một góc tối của đời
bằng nỗi đau tôi thấm thía nỗi đau
tiếng rên la quằn quại hình hài co quắp
tủi nhục điên cuồng bật lên chuỗi cười sằng sặc…
hi vọng tuyệt vọng dìm xô nhau,
tự bể khổ tuôn trào
bệnh tật có từ lâu cái chết có từ lâu
là mặt kia của sự sống
vẫn mong người đừng gieo thêm cho người thương đau
khiến lẽ tự nhiên càng thê thảm
từ cõi khổ của kiếp người,
bao đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh
sự sống sinh ra từ cõi đau này!
chất người sáng tươi từ cõi buồn lạnh xám
trí tuệ và tình thương, đẹp quá nơi đây
đừng để luật nghiệt ngã của tự nhiên càng thê thảm
người đừng gieo cho người thêm vết thương đau
còn nơi đây là nhà thương – nhà của
yêu thương ? (**) – tôi thầm nhắc
được thấm ơn đời, tôi nào oán hận gì đâu!
1991
Cước chú của bài ”Thơ ở nhà thương”:
(*) Chỉ là cách nói tu từ (mĩ từ pháp).
(**) Nhà thương: nhà đau, nhà bệnh (bệnh viện).
(Chú thích ngày 03. 3. 2005)
CẢM NHẬN BÊN DÒNG SÔNG
lang thang dọc cửa sông khuya
tâm hồn đất nước hiện về như mơ
suốt ngày ngây dại sững sờ
dòng sông bỗng hoá dòng thơ chiều này.
TXA.
I. CỬA VIỆT
1
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn thẳm sâu
nắng phơi mái rạ buồm nâu
dáng ai tóc trắng ngẩng cao sáng ngời
bập bùng bếp lửa bừng soi
bên đàn cháu nhỏ, nụ cười an nhiên
như trăm truyện cổ thần tiên
nghìn câu dân dã sáng lên nụ cười
dáng ai in giữa biển trời
nghìn-năm đọng ở nụ-cười-trẻ-thơ
trời hồn nhiên đến không ngờ
ở nơi nguồn thẳm chạm bờ biển sâu
ở nơi sóng gió lao đao
trời xanh như lọc từ bao nỗi niềm
II. HỒN ĐẤT
2
lẽ đời, sinh – tử, buồn tênh
gậy thần chỉ sáng cái nhìn mù đau
(không có gì tan mất đâu
thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi
bàn tay in dấu vào đời
cho nghìn xưa sống với người nghìn sau)
với niềm khát vọng thẳm sâu
người mang sách ước đọc vào tự nhiên
con người bỗng hoá thần tiên
bởi rất người, rất tự tin chính mình
như từ trong thuở u minh
cánh tay người muốn nâng lên vòm trời
là hoa phải sáng nụ cười
người ta – hoa của đất trời – sáng lên!
3
trước giặc thu vẫn điềm nhiên
uy rồng ở nụ cười tiên Diên Hồng
từ dân, Gióng đẹp lạ lùng
lòng dân – trời rộng – anh hùng bay lên
hoà bình xanh ngát mông mênh –
tiếng đàn cho giặc trái tim con người
nồi cơm độ lượng không vơi
Thạch Sanh – rạng rỡ chất-người-rồng-tiên!
4
bài ca sức sống Kẻ Diên
hát trong tuyệt vọng, sáng thêm cách nhìn
oán thù, vẫn sẵn ngọt lành
bát nước đổ xuống, bưng lên, lại đầy
nhân tình, cười ấm lòng say
rất nhân hậu, nhẹ nhàng thay nụ cười
buồn, vui, cũng miếng trầu tươi
bâng khuâng thắm thiết hồng đôi môi người
5
trước trò hợm của trêu đời
trẻ thơ biết giá nụ cười, Bờm ơi!
6
Ba Phi cười rộng đất trời
trăm câu chuyện trạng cho người người hơn
cho loài chuột ngự ghế son
ngậm danh thiếp chạy đuôi cong trăm vùng
lòng thương trải đến muôn trùng
bia căm ghét cũng chập chùng nhân gian
khổ, nên cười lộng, cười vang
cười ngăn nước mắt hai hàng rưng rưng
7
cơ chi nắng sáng mọi hồn
có đâu Thị Kính ôm con trước chùa
đời đuổi xua, đạo đuổi xua
biết đâu đất sống, mưa lùa oan khiên!
Xuý Vân ơi, đời sáng lên
đời vui, đâu phải giả điên giữa đời
khát khao hạnh phúc con người
ngán lòng khô khốc, nhầm lời dối gian
có cần chi nắm cơm vàng
nỗi niềm bi đát chưa tan giữa dòng
còn gì để chọn bên sông
mang mang nước chảy, ròng ròng lệ trôi
thân bằng cuộn lá chợ-người
buộc hờ mà siết vòng đời xót xa
“đau đớn thay phận đàn bà”
bao ngâm khúc cũng nấc oà đàn môi
môi cười ấm giọt lệ rơi?
sum vầy? oan rửa? điên đời vẫn điên?!
ước ao mùa tốt xanh chiêm
giọt mồ hôi đổ mới nên hạt vàng
uất ức, giẫm nát tan hoang
trong tha hoá, nghèo gây oan cho nghèo
gặt rồi còn được bao nhiêu
ao khuya bắt ốc mò nghêu qua thời
đêm, còn cúi mặt dưới trời
ruộng giăng xiềng xích, làm người được đâu
“đòn tre chín rạn vai đau”
con đường lẩn quẩn nối nhau gánh gồng
“cái cò cái vạc cái nông...”
sợ dòng nước đục đau lòng cò con!
đành mong nghiệp báo xoay tròn
cơ chi thoát kiếp ngay trong một đời
thị vàng, quả thị vàng ơi
bao nhiêu cô Tấm mỉm cười, vời trông...
III. HỒN BÚT
8
thiền
xuân tàn, thân bệnh...
Vô thường!
cành mai sức sống nở bừng sân đêm
mọc từ khổ sợ lo phiền
đoá sen thanh tịnh nở trên lửa hừng
chiều thôn dã khói trầm hương
theo kinh siêu thoát như sương thấm lòng
bụt là bụt của ước mong
nụ cười toả sáng bếp hồng chiều hôm
9
Nguyễn Trãi
lắng mình, nghe tiếng non sông
đời bao bước ngoặt, tấc lòng sáng soi
gươm nhân nghĩa, giặc tan rồi
tự do, thông vút, máu rơi, đỏ cành!
vẫn lồng lộng ánh trăng thanh
nụ cười ưu ái, ngời xanh dáng tùng
10
Nguyễn Bỉnh Khiêm
lòng thênh thang, bước ung dung
vào đời, ẩn giữa triều cung với đời
chốn lao xao, mây nhẹ trôi
vẫn làn mây trắng bên trời quê xa
ra về, thơ vẫn ngâm nga
ngỡ là mây, hay mây là mình đây
hoà vào trời đất cỏ cây
ta trong mình, thiên nhiên này trong ta
tìm trong sắc nắng hương hoa
mùa nuôi sống với tinh hoa của mùa
càng thương đồng ruộng xác xơ
ghét loài cắn phá nên thơ vẫn nồng
cửa đời có một khoảng không
có khoảng không mới có khung cửa đời
chí vô vi như nắng trời
mong dân tự sáng cuộc đời, đời vui
lập am, ẩn một nụ cười
không quên chuẩn bị cho đời tương lai
niềm thơ dân dã không phai
tứ thơ mây trắng bay hoài đầu non
11
Nguyễn Du và Truyện Kiều
dẫu đau tiếng khóc oan hồn
dẫu đời quặn thắt đoạn trường tiếng kêu
nụ cười đọng cuối dòng Kiều
trong như ngấn nắng tuôn theo mắt người
“cuộc đời đến thế thì thôi”
cố tìm chút nắng cho đời trấn an
thương sao
ánh mắt lạc quan
nhoà trong sương-khói-chữ-tâm
nghẹn lòng
thương sao trang giấy chập chùng
thương dòng mực chảy lạnh nguồn xưa sau
kiếp người thê thiết đớn đau
những điều trông thấy đọng sâu nỗi niềm
thương ai se nắng trong đêm
gắng hừng nét mực, bấc đèn chơi vơi...
mắt nhìn thấu suốt nghìn đời
rưng rưng lấp loá nắng ngời trên nghiên...
cách chi cho nắng hồng thêm
mạch đời nào phải đứng yên cho đời...
thương ai trắng tóc ba mươi
khóc Kiều cười được với môi úa tàn...
người đến sau ba trăm năm
biết ai nhớ lại khóc thầm ai không?
đoạn trường sổ lệ ứa ròng
vua quan khơi mãi bao dòng đau thương
làm sao xoá lấp Tiền Đường
chảy mê tiềm thức tự nguồn trời xa
sao người thêm cõi người ta
nâng cành hoa gãy, giữ hoa bao vùng
khi Kiều mang phận đời chung
trỏ gươm phán xét, nắng hồng thật hơn!...
ngước lên Hồng Lĩnh chon von
cồn hoang, phiến đá trắng mòn, mồ chôn!
12
Nguyễn Đình Chiểu
phương nam! rời rã, mỏi mòn
đã mất mẹ, nước có còn, nước ơi
có đôi mắt cũng mù rồi...
vượt qua số phận, chân người cứng thêm!
ước mơ – ngọn lửa bùng lên
nung rèn gươm bút Vân Tiên giữa đời
từng đơn thuốc ấm tình người
với quê hương lại rạng ngời trái tim
đuốc nghĩa quân sáng niềm tin
từ trong dân dã, cái nhìn sáng hơn?
13
Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết
Dụ Cần vương dậy Trường Sơn
Giải Triều, trung nghĩa, tờ son gửi về
Bình Tây sát tả-tà-mê
cho Tân Sở – Huế tư bề hoa giăng
lễ tần viết sắc “hoà” ban
Tôn Thuyết chiến để Nguyễn Văn Tường đàm
Pháp tung cáo trạng bắc – nam
lưu đày Kì Vĩ, chết thầm đảo xa
súng rền, khâm sứ bôi nhoà
hòm tù đỏ, Hạnh Thục ca hoen vàng
vè Thất thủ giữa dân gian
giọng run lệch bởi chuông vang giáo đường
thơ Nguyễn Thượng Hiền buốt sương
thương thái phó, ngó sen vương, dặm về (*)
14
Nguyễn Khuyến – Trần Tế Xương
bơ vơ, về với làng quê
nụ cười Yên Đổ thoáng nghe thu buồn:
“cờ dở cuộc, bạc chạy lường”
quốc kêu khuya vắng máu tuôn thấm lòng...
rất riêng, vẫn một nguồn sông
chút tình non nước vọng hồn nước non
trách mình chi, buổi hoàng hôn
chao ơi, phỗng đá vẫn còn đó đây
lửa bùng, tắt nghẹn, đêm dài
mưa đời vây bủa như dây trói lòng
niềm đau buốt xót tận hồn
Tú Xương bật tiếng cười giòn, ngẩn ngơ
lạc đường, ngóng đến bao giờ
giật mình, lạnh tiếng gọi đò, đêm khuya
15
Phan Bội Châu – Mai Lão Bạng
mắc mưu Hữu Độ bùa mê
Khang, Lương (Đại Hán!), xoá thề Cần vương
Duy tân, theo Nhật, nghẹn đường
súng gươm Quang phục, tự cường, khôn nguôi
Mai Lão Bạng sống bên Người
sách kia ai sửa?!
Sai lời sắt son! (**)
gót chân ngang dọc chưa mòn
mắt sương Bến Ngự vẫn còn ngóng trông
xa xa một ngọn cờ hồng
nụ cười hi vọng ấm dòng sông Hương
16
lãng mạn thoát li
và cách mạng hiện thực
nát tan phân rã loạn cuồng
sương mù mịt vẫn mịt mùng bủa giăng
nụ cười nở sáng lòng dân
còn ai chưa tỉnh mà nâng lòng mình
thả đời trôi nổi lênh đênh
mờ mờ nhân ảnh in quanh lệ buồn
giọt nước mắt, trời tang thương
khác chi trái đất quay cuồng trong đêm
thuế máu sôi trào đất đen
sóng hồng vỗ gọi bao triền đá mê
bài ca cách mạng còn kia
ánh sao từ ấy, sương khuya, soi đường
vẫn chia dòng nước sông Thương
ngậm ngùi giấc mộng bình thường, rưng rưng
trăm cơn gió lốc mịt mùng
nghìn luồng gió xoáy không ngừng trong tim
còn ai ngơ ngác kiếm tìm
trong quằn quại, mắt ngợp nhìn hư không
trăng! trăng! trăng! trăng não nùng
hồn ai ớn lạnh sặc từng ngụm trăng
nhớ sao trưa nắng chang chang
bóng cô gánh thóc rực vàng đường thôn
“Cha! sao Cha đành bỏ con”
những mong sống lại tâm hồn Gái quê
xác thân mục rữa sần tê
nhớ ơi thôn Vĩ sao về mà thăm
nến lung linh huệ trắng ngần
trong ảo giác trăng chợt gần chợt xa
ôi vầng trăng Ma-ri-a
sáng như viên thuốc sáng loà hư vô
đức tin nghiệp chướng ngây ngô
niềm mất nước hoá giấc mơ kinh hoàng
thơ ai trên gạch tháp Chàm
mười bảy tuổi, vội Điêu tàn tóc xanh
bóng ma gào khóc chiến tranh
đau trong đau, đã kết thành, triệu năm
17
vết thương Bến Hải (1954 – 1975)
và Miền Nam
ôi Ma-ri-a Tố Chân
nắng hoà bình ấm khăn quàng yêu thương
Nhất Chi Mai – đuốc soi đường
cành hoa sức sống sáng bừng tự do
máu loang ngực áo học trò
mặt đường khát vọng rực bờ sông xanh
khúc da vàng, lửa mong manh
khói trời ngơ ngác toả thành nhạc kinh
hoa vô thường, sương lung linh
theo hương tìm cõi yên bình cho nhau
mây thênh thang giữa trời cao
lạc vào mộng tưởng, chìm sâu sông buồn
bao nước mắt, bao mảnh gương
ai đem ghép lại soi khuôn mặt mình
mong sao gương vỡ lại lành
nụ cười thêm sáng dưới vành trăng thiêng
18
hình tượng Mẹ Suốt
quãng đời cay đắng lênh đênh
lắng sâu mặt nước ngày đêm đưa đò
mái chèo mẹ Suốt nối bờ
đưa quân đi tự nghìn xưa đưa vào
mẹ cười sáng mỗi ngôi sao
sáng trên vầng trán sáng vào nước non
sao bay đỉnh gió Sài Gòn
có về soi lại tấm lòng mẹ không
IV. NỤ CƯỜI
19
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn, chứa chan
giữa nơi lốc bão nghìn năm
lại làm lốc lặng bão tan cho người
và người thơ – ngọn thu lôi
nhận bao sấm sét giữa trời thương đau
dẫn truyền xuống tận đất sâu
mạch đời hoá giải biết bao nỗi đời
lọc từ nghìn thuở muôn nơi
lắng sâu toả rộng vòm trời bình yên
đọng thành nguồn sáng trong tim
trái tim đằm thắm hồng lên nụ cười
dẫu đi cuối đất cùng trời
trong lòng đã có nụ cười an nhiên
nghìn xưa còn đó hồn thiêng
phơ phơ tóc trắng bao miền nhân gian
nụ cười tự bốn nghìn năm
rạng ngời bản lĩnh lương tâm giữa đời
sẽ qua đi mọi rối bời
để thêm thanh thản nụ cười thẳm sâu! (***).
1985
Bên dòng sông Bến Hải, Do Linh (Gio Linh) và tại đình làng Kẻ Diên, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị;
Kỉ niệm lần thứ 100 Ngày Kinh đô quật khởi (1885 – 1985), và lần thứ 10 Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước (1975 – 1985).
Cước chú của bài “Cảm nhận bên dòng sông”:
(*) 14 câu khúc 13 và 6 câu khúc 15 mới được bổ sung thêm, trong quý thứ tư, năm 2001. Ngoài ra, có một số khúc, số đoạn, được phục hồi lại theo bản gốc của tác giả. TXA.
(**) Xem chú thích (*). Mai Lão Bạng là một tu sĩ Thiên Chúa giáo (bậc thầy năm), ở Nghệ An, người đã cùng Phan Bội Châu, linh mục Đậu Quang Lĩnh (Đỗ Lệnh) đề xướng thành lập Duy tân Giáo đồ hội từ 1903. Ông là một trong số ít giáo sĩ Thiên Chúa giáo lớp sau có tư tưởng và hành trạng chống Pháp, nhưng ông rất căm ghét những lãnh tụ Bình Tây sát tả thế hệ trước ở Triều đình Huế. Xin xem: Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886),'những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được'", Tạp chí điện tử Giao Điểm, số tháng 5-2005, http://www.giaodiem.com/ . TXA.
(***) Bài thơ dài "Cảm nhận bên dòng sông" này, tác giả đã sử dụng lại ở cuốn tiểu thuyết MÙA HÈ BÊN SÔNG, các bản 2000, 2001 và 2003 (gồm cả phần khảo cứu phụ lục). Tiểu thuyết ấy là những suy nghĩ về cuộc chiến tranh – cách mạng 130 năm gần đây (1858 – 1975 – 1989), tập trung vào giai đoạn 1945 – 1975, đặc biệt là 21 năm chia cắt Đất nước (1954 – 1975) và thời hậu chiến. TXA.
MỤC LỤC
◘ Lời giới thiệu của Hoàng Phủ Ngọc Tường
◘ Lời thưa của tác giả (Trần Xuân An), nhân dịp chép lại bản “Nắng & Mưa” xuất bản lần thứ nhất…
1. Tóc bay sương trắng
2. Tiếng chuông xưa
3. Ruộng đất yêu dấu
4. Bài tháng giêng
5. Người đàn bà giữa vùng rừng khai hoang
6. Kính nhớ Pablô Nêruđa
7. Tạ ơn mảnh đất quê nhà
8. Ánh trăng đầu xóm
9. Giọt sương
10. Vì sao
11. Giếng hoang
12. Thưa với mẹ
13. Tôi mãi hoài tìm kiếm
14. Bài mơ
15. Một chút tự trào
16. Trăng ngoài trời, trăng trong nhà
17. Bài ca Diên Sanh
18. Từ câu nói ngây thơ của con
19. Lời thiêng
20. Bài thơ ru búp bê
21. Còn lại một chút hoang tưởng
22. Đánh thức
23. Nơi đây là nơi đâu
24. Nghĩ về “khát vọng sống”, tạ ơn anh em Van Gốc
25. Tạ ơn Thạch Hãn
26. Cho mình và cho nhau
27. Trốn và gặp
28. Dù sao
29. Thơ ở nhà thương
30. Cảm nhận bên dòng sông
Biên tập: TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Bìa: NGUYỄN THÁI TUẤN
Chân dung
Trần Xuân An,
do Lê Quang Thỉ kí hoạ.
Lời giới thiệu của Tạp chí Cửa Việt ở bìa 4:
Đã in thơ trên các báo văn nghệ trong nước từ năm 1975. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ Giải phóng năm 1976 (*). Ngay từ lúc mới xuất hiện, Trần Xuân An đã thu hút sự chú ý của công chúng bằng ngôn ngữ tinh lọc và dịu dàng, hé mở một nội tâm toả sáng, nhân hậu. Tập thơ “Nắng và Mưa” gần 200 bài, mải miết suốt 15 năm thời tuổi trẻ gian khổ của anh, theo chúng tôi là một tập thơ hay, hi vọng sớm được ra mắt bạn đọc.
(Tạp chí CỬA VIỆT, số 5 – 1990)
Cước chú ở tr. B (bìa 4):
Xem Lời thưa… (viết ngày 28. 02. 2005).
(*) Đúng ra là 1975.
(Tác giả đính chính, 02. 3. 2005).
Chép vào máy vi tính từ bản đã xuất bản:
ngày 28 tháng 02. 2005 – ngày 03. 03. 2005.
Ghi chú về tác giả:
Trần Xuân An
Sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
Nhân tộc: Kinh (Việt Nam);
Quê gốc: Quảng Trị;
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Việt ĐHSP. Huế (1974 – 1978);
Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 – 1983;
Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu
(Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.).
1971, cùng bạn bè chủ trương tập san Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu Huyên Đình (Người Mẹ).
1973, “Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng “Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
1991, giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị.
DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)
Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:
1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:
13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:
17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
Địa chỉ:
71B Phạm Văn Hai,
Phường 3, quận Tân Bình
(cửa hiệu PHAN HUYÊN)
TP. HCM.
ĐT.: 08.8453955
& 0908 803 908
Email: tranxuanan_vn@yahoo.com
TRUY CẬP THÊM CÁC ĐỊA CHỈ WEBs/ BLOGs
(Xin bấm vào LINKs sau đây):
http://tranxuananthitap9.
blogspot.com/
http://tacphamtranxuanangiaodiem.
blogspot.com/
http://tranxuananngoitruongthgieng.
blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap9.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.
blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap5.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap1.
blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan.
blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.
blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaixanh.
blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.
blogspot.com/
HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
WIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.
NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(Xin bấm vào các đường LINKs sau đây):
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/605_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/705_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/805_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/905_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_index.htm
Trân trọng và cảm ơn.
TXA.
NẮNG VÀ MƯA
thơ
HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ
1991
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi nghĩ rằng Trần Xuân An thuộc về những nhà thơ đang hiếm dần quanh ta bây giờ, những con người sinh ra để mãi mãi nhớ về một mảnh đất vùng sâu của đời người, gọi là Quê Nhà. Giống như bao người, An lớn lên để giã từ quê nhà, để ra đi, để trôi giạt… Nhưng dù ở đâu, cả trong giấc mơ, tâm hồn An vẫn đi đi về về nơi miền quê đó, nơi cái quán nhỏ có màu tóc mẹ trắng dần theo năm tháng, nơi những con đường lầy lội suốt mùa mưa, nơi dòng sông ngụp lặn tuổi hoang dại, ôi, nơi đó rơm rạ làm bay lên dọc theo đời người cái mùi hương day dứt khôn nguôi của ruộng đất yêu dấu.
Nhưng thơ Trần Xuân An không phải được viết ra để giải toả sức nặng êm dịu của những kỉ niệm thời thơ ấu. Chính từ sức nuôi dưỡng của Lòng Mẹ, của tình bạn hay là của tình yêu trinh bạch thuở đầu, từ những gì đơn sơ được tiếp nhận trong khu vườn xanh biếc của con chim vành khuyên kia, Trần Xuân An đã gìn giữ chắt chiu thành vốn liếng tâm hồn để trở nên giàu có trong mối tương quan không ngừng nẩy sinh giữa người thơ và cuộc đời.
Có lẽ không nên tìm kiếm những điều mới lạ trong thơ Trần Xuân An. Nhưng bù vào đó, người ta sẽ bắt gặp một cái gì còn đáng quý hơn nhiều: đó là một hồn thơ điền dã, nỗi dịu dàng trong trẻo của nắng và gió trên đồng lúa, và lòng biết ơn nhân hậu của một người trước cuộc sống, dù qua bao nhiêu bất hạnh. Và đó chính là những của cải đáng giá của tâm hồn mà chỉ Đất mới có thể ban cho, và những cái đơn sơ lại hoá thành điều sâu thẳm, dõi theo năm tháng đời người.
Và Trần Xuân An đã giãi bày những điều ấy bằng một ngôn ngữ Thơ đích thực, không dễ mà có được. Giọng thơ Trần Xuân An tuồng như chính là mêlôđi (*) của đồng quê trong Nắng và trong Mưa, là âm thanh của giọt nước tàu cau trước sân nhà, và là tiếng hát của chim sơn ca giữa trời xanh mây trắng.
Quảng Trị, tiết Xuân Phân 1991
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Cước chú của bài ”Lời giới thiệu” của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(*) Melody: âm điệu du dương; giai điệu.
Lời thưa của tác giả
nhân dịp chép lại bản Nắng & Mưa xuất bản lần thứ nhất
để phát hành trên mạng liên thông quốc tế (internet)
Tôi không có ý định phủ nhận những gì đã viết và đã xuất bản, tuy nhiên, cũng xin thưa thêm một đôi lời ở bản chép lại này.
Trong một vài dòng giới thiệu ở phần gấp bìa 1, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết:
“… Thơ là trạng thái thăng hoa của tâm hồn. Đấy là khi cái vỏ bọc vô thức vỡ ra và tâm hồn bị dồn nén bỗng vút bay lên. Người thơ thường có “trạng thái tâm thần” là vậy. “Trạng thái tâm thần” của Trần Xuân An không ít, và khi anh làm chủ được ngôn từ, những ý tưởng đau đớn và cao đẹp bỗng lay động lòng ta.
Từ nhỏ, tôi vốn say mê hồn thơ điên lạ lùng Hàn Mặc Tử, giờ đọc An, không sao kìm nổi xúc động …”.
Và ở bìa 4, Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt cho in lại một vài dòng lời toà soạn trên một số Cửa Việt (chính xác là số 5, 1990), trong đó có câu: “Từ 1983, bị “bệnh tâm thần” nên nghỉ dạy, về làm thợ may ở quê nhà” . Nói đúng hơn, là thợ vắt sổ.
Nhưng điều hệ trọng nhất vẫn là ba chữ bệnh tâm thần và bốn chữ trạng thái tâm thần. Hai cụm từ này vốn được xã hội quen dùng như nhã ngữ, hàm nghĩa chính xác là bệnh điên, trạng thái bệnh lí cuồng điên. Tôi xin được in đậm hai cụm từ này và cẩn trọng đặt trong dấu ngoặc kép. Dấu ngoặc kép, theo nguyên tắc ngữ pháp, được sử dụng với vài dụng ý khác nhau. Ở trường hợp này, chỉ với ý nghĩa thường được gọi một cách hình ảnh là nháy nháy.
“Bệnh tâm thần”, “trạng thái tâm thần” với dấu nháy nháy có nghĩa không phải là bệnh lí thật sự, mà chỉ nhằm biểu đạt sự cường điệu, phóng đại một tâm trạng u uất, phẫn chí thông thường trong một thời điểm bức bối nhất định của xã hội và của văn nghệ sĩ trước Đổi mới và Cởi trói. Nói rõ thêm là với dấu nháy nháy, người viết cố ý dùng từ ngữ thiếu chính xác, lệch với nghĩa chuẩn, như một thủ pháp diễn đạt.
Sở dĩ có sự thể như vậy là bởi bản thân tác giả cũng có những ngày, những tuần thật sự bị xô đẩy và bị rơi vào tâm trạng bi phẫn, trầm uất, và đã viết dăm bài thơ điên, trong đó, yếu tố điên chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Tuy vậy, thơ điên của tác giả lại không điên chút nào cả, xét một cách toàn diện, về mặt cấu tứ, sử dụng từ ngữ và sáng tạo hình ảnh thi ca! Hoàn toàn không có một dấu hiệu rối loạn tư duy, cảm xúc nào! Yếu tố điên ấy chỉ là những chi tiết điển hình hư cấu nhằm biểu đạt trạng thái bức bối đến mức như thể phát điên của xã hội thời bấy giờ.
Về trường hợp Hàn Mặc Tử, ai cũng biết nhà thơ này không phải bị bệnh tâm thần phân liệt. Trạng thái tâm thần ở Hàn Mặc Tử chỉ là phó sản bởi nguyên nhân bệnh lí về thể chất. Đó là bệnh phong hủi (bệnh cùi). Vì bị bệnh phong hủi, nên ông bị thân nhân, bạn bè cách li do sợ lây nhiễm. Từ đó, Hàn Mặc Tử rơi vào tình trạng tuyệt vọng, cô độc. Bệnh phong hủi, một trong tứ chứng nan y thời đầu thế kỉ XX, cộng với tình cảnh cô độc, khiến Hàn Mặc Tử phát điên. Nói gọn hơn, điên ở Hàn Mặc Tử chỉ là một trạng thái tinh thần bị khủng hoảng, hệ quả của bệnh trạng phong hủi.
So sánh nào cũng khập khiễng.
Tác giả chưa bao giờ là một người mắc bệnh thực thể nan y, cũng không hề bị bệnh tâm thần thật sự (kể cả thể bệnh tâm thần nhẹ, nói chi đến thể tâm thần phân liệt vốn là một thể bệnh trầm kha nhất!), mà chỉ bị “sốc”, bị xô đẩy vào tình cảnh bế tắc trong sáng tác văn chương, nghiên cứu lịch sử và về nghề nghiệp, do đó bị rơi vào tâm trạng bi quan, phẫn chí tột độ mà thôi.
Xin trân trọng ghi chú đôi điều như trên để tránh những ngộ nhận đáng tiếc, dẫn đến sự vô hiệu hoá tác giả trong mọi lĩnh vực xã hội.
Xin cảm ơn.
TRẦN XUÂN AN
28. 02. 2005
(20, Giêng, Ất dậu, HB. 5)
TÓC BAY SƯƠNG TRẮNG
kính tặng Mẹ
bây giờ ngoài mình mưa chưa
con nghe lành lạnh ngày thưa chân người
nhìn sông nước lã trôi xuôi
con như lạc giữa dòng đời đã lâu
bỗng dưng không biết từ đâu
bay ngang trời đất một màu tóc sương
con úp mặt nhớ quê hương
thương sao quán mẹ bên đường mưa bay.
1973
TIẾNG CHUÔNG XƯA
sáng nay em đi chùa
lòng tôi buồn hơn xưa
một thời con dế nhỏ
ngậm sương mùa tương tư
một thời con kiến nhỏ
khóc vùi trên đường mưa
sáng nay em đi chùa
tóc em cài hoa xưa
thắp lên mùi hương khói
trên bình nhang linh hư
môi em thuyền bát nhã
xa tôi bờ đời mưa
ngắn dài câu gian dối
ướt sũng lời lọc lừa
sáng nay em đi chùa
em mặc áo người xưa
dìm tôi dòng mộng cũ
ngậm nhánh rong mơ hồ
sáng nay em đi chùa
lá ngủ còn hương xưa
tôi làm con chim nhớ
hót mừng ai giao mùa?
tôi là chim đổi xứ
tìm hoài mùa ngây thơ
tôi mang thân cổ thụ
níu mãi mây ngu ngơ
một đời còn thương nhớ
khi nghe tiếng chuông xưa.
1973
RUỘNG ĐẤT YÊU DẤU
sao lên chấm hết chiều công tác
về nhà, chống cửa, chè tươi thơm
hớp ngụm nước ấm môi ngọt sắc
chưa bao giờ lòng thanh thản hơn
xuống bếp mẹ già châm điếu thuốc
nụ cười trầu đỏ khoé môi nhăn
ánh lửa hắt lên đầu tóc bạc
khác chi cụm khói ráng chiều tàn
mấy liếp tranh xơ buộc lạt mới
đất nền đắp lại chửa lì chai
về quê vừa được dăm ba bữa
thở gió nồm thân mẹ trẻ hoài
gốc mít sần sùi bom chém cụt
tưởng chết oán hờn trong nắng mưa
chia nhau ba hướng ba nhành lá
dõi mắt xưa chờ bóng chủ xưa
quanh mương đất mới vùi lên cỏ
góc kia lửa ngún khói nồng thơm
con chim tu hú tròn mắt sững
dợm cánh lao mình kinh khiếp bom
nắng tưới đầm đìa gốc rạ mủn
chìm sâu khuất lấp cải dền xanh
ai cuốc, lòng níu chân chiều lại
nóng ruột tìm thăm hương đất lành
bom thức ruộng tròn nghìn mắt trợn
ngước ngó trời cao hận đóng vàng
thôi nhé, từ nay ngoan hiền khép
hỡi mắt quắc trừng khoé rách toang
cơ chi trời đất đừng đêm nữa
góp lúa mười năm chín một mùa
chao ơi, ao ước trong mùa tới
lúa chín từ lòng lúa chín ra
chừng đó, mít trĩu lừng hương ngát
vườn sau ớt đỏ, tím cà tươi
giàn hoa bầu bí vàng ong bướm…
bắc chõng nằm khuya hóng gió trời
chao ơi, chừng đó nghe trâu nghé
tiếng nhai cỏ ợ nhoà trong sương
đêm đêm nghe lại tiếng quẫy cá
mải vui, thao thức dưới bờ mương…
cơ chi chừng đó còn Bác sống
rước Bác về làng trải lúa xanh
cờ, hoa, kết ngọt cơm gạo đỏ
độn với bắp vàng, nhớ chiến tranh
thấp thoáng bóng người đầu ngõ trước
tiếng cười gió đẩy vào trong sân
nhà lên đèn tỏ êm câu hát
quẳng xa tàn thuốc, lòng bâng khuâng!
ở đây càng thấy ngây tình đất
nơi đâu đất cũng đất thật thà
cũng như rừng rú mùa chống giặc
rất chở che và rất thiết tha (*).
11.1975
Cước chú của bài ”Ruộng đất yêu dấu”:
(*) Tác giả có sửa chữa lại một vài chữ và phục hồi lại một hai đoạn theo bản gốc đã đăng trên báo Văn Nghệ Giải Phóng, năm 1975.
(TP.HCM., chú thích ngày 31. 03. 1999).
BÀI THÁNG GIÊNG
má đi chào ai năm mới
áo bay bay gió tháng giêng
tinh sương con gà đã đợi
gáy ran ngoài ngõ láng giềng
bầy chim đứng hót không yên
chuyền cành chíp chiu luyến láy
bươm bướm nhấp nhô nhấp nháy
như là đôi mắt thiên nhiên
nắng reo mướt tóc thanh niên
em thơ xênh xang áo mới
nụ cười bên đọt dứa hiền
tiếng pháo hồng treo khắp lối
mời nhau dăm múi sầu riêng
thấy vườn Mỹ Tho bùi ngọt
nối lửa đôi ba điếu thuốc
nghe xao xuyến trời Điện Biên
lời chúc câu chào huyên thuyên
rượu nồng bay trong mái lá
niềm vui tràn ra ngoài hiên
từng mảng nắng vàng rất lạ
thăm nhau thăm nhau tháng giêng
áo khăn nhạt rồi bóng tối
má ơi, nắng ngoài Hà Nội
bay vào thơm lúa Thừa Thiên
thoảng hương đất, nhớ tổ tiên
đã cho cái nương cái rẫy
thương, thương đàn con biết mấy
giữ gìn mùa xuân y nguyên
cây xanh tình Bác, thiêng liêng
lộc non nao nao lòng dạ
mơ ước về trong tay má
xin đời ngát mãi tháng giêng.
1976
NGƯỜI ĐÀN BÀ
GIỮA VÙNG RỪNG KHAI HOANG
người đàn bà ấy có đôi mắt thoáng buồn
hàng mi đen lấp lánh nắng
ngồi xới đất cho luống rau xanh non
hai bàn tay trắng hồng
trên màu đất của cánh rừng na-pan đốt cháy
ướt đẫm màu nắng mai đến muộn
người đàn bà ấy và tôi đều giật mình
tiếng trẻ con khóc
chị chạy vào nhà rửa tay và khẽ hát
lời ca thoáng buồn như đôi mắt
long lanh
giọng hát ấm áp như đôi tay trắng hồng
đặt trong nắng trộn hoà với đất
và tiếng cười trẻ thơ trong vắt
tiếng nựng con trong mái tranh
trên vùng rừng cháy đen đang sáng biếc chồi non
người đàn bà bỗng sáng loà trong khung cửa
cúi xuống mỉm cười
chợt thấy nụ cười mình nơi nụ cười con
và vùng rừng cháy đen bát ngát chồi non
lấp lánh trong mắt.
1980
KÍNH NHỚ PABLÔ NÊRUĐA (*)
từ một nơi xa xôi
sáng mai này, tôi nhớ
Pablô Nêruđa – “đất nước cánh hoa dài”
cánh hoa nổi trôi bão bùng bên biển cả
nổi trôi trên trang thơ
rực lửa
bao la
Pablô Nêruđa – trang thơ mênh mông
nối liền bao tấm lòng
cồn lên bao niềm khát vọng
tưởng như vòm trời tự do
trang thơ tung cánh hải âu
phơi phới giữa màu xanh thắm
tưởng như giữa trời buốt lạnh
thơ đốt bùng lửa ấm
soi tỏ mặt người
Pablô Nêruđa!
mỗi trái tim nhỏ nhoi
là quả chuông rung
xốn xang buốt chói
âm thanh toé tung bao vì sao chật cả trang đời
Nêruđa viết trong đêm dày
đặc khô bóng tối
Pablô Nêruđa – mênh mông như thiên nhiên
sức sống mãnh liệt thầm thì tuôn trào từ nguồn cội:
tự do – con người
tưới bằng máu và mồ hôi…
từ một nơi xa xôi
sáng mai này, tôi nhớ…
1982
Cước chú của bài ”Kính nhớ Pablô Nêruđa”:
(*) Pablo Neruda (1904 – 1973, Chi Lê), nhận giải Nobel 1971.
TẠ ƠN MẢNH ĐẤT QUÊ NHÀ
1.
quê nhà chiều gió bình yên
con về đây hỡi cõi miền yêu thương
rưng rưng nắng lọc hàng dương
con đường quê hỡi con đường vàng mơ
chim chuyền cành hót ngây ngô
con bươm bướm cũ bây giờ còn bay
con về đây con về đây
nghẹn lòng con giữa đất này quê hương
2.
ngọn đèn đêm vặn sáng hơn
bàn tay mẹ vẫn run run tủi mừng
hai hàng nước mắt rưng rưng
nụ cười mộc mạc thoáng bừng nắng phai
xóm giềng cũng đến sum vầy
tay con mềm lại trong tay bạn bè
3.
con nằm trong ánh trăng khuya
chợt thương sao tiếng tắc kè rừng xa
thác đồi mù sương mù sa
bàn chân tứa máu vượt qua vẫn cười
phố đông đường trổ gai đời
chân lao đao, bước chơi vơi, hãi hùng
mấy ai nhắc chuyện đục trong
đắng cay nay bởi chút lòng, mẹ ơi…
1982
ÁNH TRĂNG ĐẦU XÓM
chân chếnh choáng ánh trăng đầu xóm
cùng lên cao, ta ngợp màu trăng
trăng ngan ngát mênh mông động cát
ơi vầng trán yêu thương
môi lịm cả trăng ngần!
em mỏng mảnh mà bao la đến thế
em nép vào anh, anh hoá rừng dương
em chìm dưới anh,
nghe trời hửng rạng
biết giấu em nơi đâu,
ngoài giữa trái tim hồng
nhưng nắng lên rồi, sáng trưng và quá thật
gió muốn gào lên một trời rỗng không.
1984
GIỌT SƯƠNG
hai mươi tám năm
có gì đâu để nhớ…
một thoáng sương bay trên bến cũ
có đủ bâng khuâng người đứng trông về…
cơ hồ tôi ở xa về
với giọt sương đọng cả mùa trăng tuổi nhỏ
đọng cả trời mây nát nhầu giông gió
của một thời mới lớn đam mê…
và giọt sương rơi vào trí nhớ
lạnh cả lòng tay áp vào lòng tay trên trang vở
(tôi cùng em xao xuyến mấy mùa thi)
tỉnh lại cả dòng thơ rực rỡ nắng hè
cả hương sen ven thành xưa thấm vào lời tình tự…
và khát vọng trời cao và cánh gió!
cơ hồ tôi ở xa về
với cao nguyên thẳm sâu thác gào vách đá
tôi vượt qua bao cánh rừng khai hoang
giữa lòng tôi ngỡ muôn đời bé nhỏ
để đến với nụ cười viên phấn rừng khuya
nơi mãi thắp bùng ánh lửa
mới mẻ và hoang sơ
nơi tôi gắp những ý nghĩ của đáy lòng
chưa bị u mê vì sách vở
và giọt sương rơi vào trí nhớ
lóng lánh tháng năm…
thời gian tươi đẹp quá
kể cả đắng cay tủi nhục điên mê…
ơi giọt sương khuya
hãy lạnh ngón chân bấm trên lối về quá khứ
tỉnh lại những ngày qua còn khét nồng cuồng điên
phẫn nộ
mặt đất con người!
vòm trời tự do!
giọt sương
còn trôi đi như ánh sao băng phía chân trời lộng gió
để thắp bùng hừng đông rạng rỡ
chút ước mơ
“tầm vóc con người được đo bằng kích thước của tự do” (*)
mỗi cuộc đời một hành trình gian khổ
bắt đầu đi từ phía của riêng mình
góp vào hừng đông – chân trời cháy lên tất cả
và tôi – giọt sương, chỉ là giọt sương
lóng lánh hừng đông…
1984
Cước chú của bài ”Giọt sương”:
(*) Thơ Yannis Ritsos (1909 – 1990, Hy Lạp).
VÌ SAO
tặng Nguyễn Tấn Sĩ
ngày mai ngày mai ra sao
bài ca nao nao tuổi nhỏ
nửa đời vẫn còn bỡ ngỡ
trắng đêm trời cao xa mờ
băn khoăn thuở ấy ngây ngô
sao gọi vì sao lạ thế
và phải như lời bà kể
người có vì sao riêng chăng?
trời cao xa xanh ngàn năm
nỗi hồn nhiên thành kinh sợ
suốt ngày xôn xao không nhớ
đêm khuya hiện về, lắng sâu
vì sao, vì sao, vì sao
đời chung sao riêng phần số?
vì sao chia tan, gặp gỡ?
một nhà mơ ước khác nhau?
đường đời khởi tự nơi đâu?
từ giọt máu hồng lòng mẹ?
từ hạt mưa xanh trí nhớ
hoá vì sao nhỏ đưa đường?
nắng gió thổi loà trăm phương
chỉ lọt vào hồn một phía?
mắt ấy mẹ cho? đời mở?
hay hồn xoay lốc loạn cuồng?
hay để đời lung linh hơn
vì sao? vì sao? mờ? tỏ?
vì sao lung linh chuyện cổ
còn lung linh mãi ngàn sau?
bóng ma khói sương nào đâu
bụt tiên chỉ trong giấc ngủ
chỉ thấy lòng ai quỷ dữ
tình ai nhân hậu nhiệm mầu
đêm đêm ngước nhìn trời sao
thương ai tật nguyền từ nhỏ
ai chết bất ngờ mắt mở
ơi những kiếp người khổ đau!
qua bao đèo vui vực đau
ngẫu nhiên xui thêm run sợ
bao người co ro bé nhỏ
đêm đêm, mắt ướt, nhìn sao
mặc ngẫu nhiên thành trời cao
chen ngang bao điều định rõ
cho đời vẫn còn đối phó
thấy không thừa thãi chiếc đầu!?
trời xưa nào có mắt đâu
người phải cho trời đôi mắt
đâu phải chỉ là mơ ước… ?
phải chữa tận cùng khổ đau?!
tự thắp cho mình vì sao
hiểu đời hiểu mình, tất cả
và hồn nhiên như hoa lá
và sống không chịu cúi đầu
mỗi người là một vì sao
mỗi phận đời riêng, ẩn số
cuộc đời cứ như câu đố
có Trời cũng mặc Trời cao.
1985
GIẾNG HOANG
có một đôi mắt sáng
lặng lẽ nhìn giếng hoang
giếng lâu rồi im vắng
lại âm vang tiếng chân
giếng ngỡ lòng khô cạn
lại khơi trong nắng vàng
giếng yên đời quên lãng
lại xôn xao ánh trăng
lắng nghe lòng đất ấm
vọng gió trời xa xăm…
xin mắt ai mãi sáng
hồn em đừng bỏ hoang.
1885
THƯA VỚI MẸ
kính tặng Mẹ
hai năm hai năm con về nhà
hai năm ngồi trong cửa nhìn ra
vẫn con đường nắng loà bụi đỏ
mùa mưa về mưa bão lùa qua
hai năm hai năm con về đây
cơn đau con làm mẹ hao gầy
mái tóc bạc càng thêm bạc trắng
con cúi đầu úp mặt trong tay
những mong vơi buồn lo mẹ ơi
thêm tin ba mất ở xứ người
vành khăn trắng trắng phơ tóc trắng
thương con đau, mẹ khóc thầm thôi
nhiều đêm năm nước mắt chảy dài
thương mẹ già buồn trĩu hai vai
anh chị con đi không về nữa
mẹ con mình, côi cút, lạc loài
có một dạo cứ ngỡ lành rồi
con mừng, mẹ quá đỗi mừng vui
người con gái đến thăm ngày bệnh
thành dâu hiền, mắt mẹ lại tươi
ngờ đâu con lại trở cơn đau
vợ con lo, quay quắt, buồn rầu
mẹ lại lo thuốc thang tất tưởi
thương con, lại thêm nỗi thương dâu!
nên cứ mong nhà sẽ vui hơn
vợ chồng con có cháu mẹ bồng
con khoẻ ra, làm ăn thay mẹ
mẹ lại hồng hào bên cháu con
mẹ ơi, buồn lo giờ đã xa
giữa làng quê ấm áp thật thà
có cháu con đứng quanh lưng mẹ
nắng xin thơm tóc trắng tuổi già.
1985
TÔI MÃI HOÀI TÌM KIẾM
tôi mãi hoài tìm kiếm chính tôi
hi vọng gặp tôi với cuộc đời ở đó
qua bao chiều trí nhớ
qua bao nét chữ
qua bao giọt nắng giọt mưa giọt lệ
trong ống kính vạn hoa vạn điều đổ vỡ
vạn nghìn niềm vui say đắm khát vọng
chua xót đắng cay
mỗi bài thơ là một lần lắc tay
như một lần trái tim nhói thắt
tôi muốn kiếm tìm qua khúc xạ thời gian và kí ức
ôi trái tim vạn nghìn đoá hoa
vạn nghìn đổ vỡ
vạn nghìn niềm vui
say đắm
khát vọng
chua xót
đắng cay
cho tôi nhìn ra tôi và cuộc đời ở đó.
1987
BÀI MƠ
chiều nay ba đặt ca dao
ru cho bé ngủ ngọt ngào giấc mơ
mơ trời mưa xuống như tơ
cho ba vắt sổ và cho bé nhìn
trong mơ, mưa rất thần tiên
trên bàn vắt sổ mưa nghiêng tơ đời
sợi tơ nối với trăm nơi
bay quanh giấc ngủ nụ cười bé ngoan
rồi mơ ngọn nắng thật vàng
ba phơi tã lót thành đàn cò bay
cò từ đồng rộng về đây
nắng vàng nhuộm sáng cho ngày sáng tươi
dù mưa dù nắng con ơi
hát chi cũng hoá nên lời yêu thương
biết vui theo điệu ru buồn
ru con, con lại khơi nguồn cho thơ…
1988
MỘT CHÚT TỰ TRÀO
buổi sáng chợ đông cuống chân vắt sổ
chiều tối rảnh rang hò hát đôi câu
lúc hát ru con lúc hò giỡn vợ
cứ há răng cười đâu phải đi đâu
nằm ngó phượng kia gió rung lá nhỏ
ngọn gió Kẻ Diên còn hát trong khuya
gió cứ lay cây bên ngoài ngưỡng cửa
tiếng gió thâm trầm tôi ngủ u mê.
1988
TRĂNG NGOÀI TRỜI,
TRĂNG TRONG NHÀ
chiếc đen dầu con con
chiếu lên trần nhà thấp
sáng một vầng trăng tròn
soi cho con êm giấc
bé ơi, cứ ngủ ngon
ba nhìn vầng sáng tròn
ru con rồi tưởng thật
thấy trời gần mình hơn
cơ hồ mình bay lạc
ngủ cùng trăng sao luôn
trong mơ ba lại thức
rõ thêm cuộc đời thường… (?)
bé ơi, cứ ngủ ngon
trăng trên trần vẫn tròn
mẹ chưa thổi đèn tắt
trăng của con nội thắp
thật hơn cả trăng suông?
trăng ngoài trời vằng vặc
càng sáng vầng trăng con?
ờ, còn bao trăng khuyết
và những đêm tối om…
thì ngọn đèn vẫn thắp
trăng của con vẫn tròn
thì ba cũng vẫn hát?
giọng đen bừng sức vươn
ờ, giọng đen lắng trầm
giọng đen không chịu buồn?
bé ơi, đừng bật khóc
bé ơi, cứ ngủ ngon…
chiếc đèn dầu con con
chiếu vầng trăng không thật
cho trần nhà bát ngát
ơi vầng trăng dễ thương
soi đẹp giấc mơ con
vầng trăng ôi quái ác
xui ba nằm thao thức
nghĩ cái thật, không thật
cái tròn và cái khuyết…
bé ơi, cứ ngủ ngon
ngọn đèn đã thổi tắt
trăng cũng nên ngủ ngon
ba cũng nên ngủ ngon
với nghề đạp và đạp
việc gì lại thao thức
việc gì nghĩ mông lung
nhỡ đạp có sai đường
không lo đầu cúi thấp
trước tương lai của con…
nhưng còn dăm bài hát
ba phải hát ru con…
bé ơi cứ ngủ ngon.
1988
BÀI CA DIÊN SANH
1.
không đi đâu xa
sao lòng cứ nhớ
tiếng chân tuổi nhỏ
reo trên đất này
nhớ cả hôm nay
cảnh buồn cổng chợ
hạt gạo khuyết gầy
mùa màng quá khó
bạn bè đâu đây
tay dằn li vỡ
người đàn người gõ
hát đến la đà
không đi đâu xa
hát say là nhớ
đình ru chuyện cổ
bàng mát tuổi thơ
nhớ bao đêm mưa
đất nhoè đạn lửa
xác người nứt nẻ
phơi nghẹn ngã ba
nước mắt tràn ra
chạy cuồng bỏ xứ
đường làng lút cỏ
tìm không ra nhà
không đi đâu xa
hát say là nhớ
ơi bao giấc mơ
nuôi ta ngày đó
đâu mái đình xưa
điện mơ đường nhựa
bay trong hương lúa
diều ngân tiếng thơ
lẽ đâu bây giờ
đứa đàn đứa gõ
nghèo dần ước mơ
tay dằn li vỡ
ơi bài ca cổ
ơi Kẻ Diên xưa
Diên Sanh bây giờ
tràn li rượu đổ
Diên Sanh bây giờ
đàn đau mặt gỗ
hát vui ngờ ngợ
hát buồn ngu ngơ
không đi đâu xa
sao lòng cứ nhớ
Diên Sanh trong ta
hát say là nhớ
Diên Sanh quanh ta
ngất say còn mớ
ơi… Diên Sanh!
Diên Sanh! và bài ca cổ…
2.
Diên Sanh bừng thở
hát thật lòng ta
tự do gắn bó
Diên Sanh và thơ?
bao chiếc đàn thơ
là chìa khoá mở
bao cửa tự do
bung ra trong gió?
đàn không vỡ nữa
lương tâm hát ca
dây trói lòng ta
bung ra trong gió?
cứ nghe và ngó
chửi rủa hoan hô
nhưng loài cú vọ
đừng đụng đến thơ… ?
hoang tưởng hay mơ?
lòng không khép nữa
cuống chân vắt sổ
nhưng lòng hát thơ!
ngàn xưa nghiệt ngã
thơ vẫn còn thơ
luỹ tre dân dã
giấu bao câu hò…
lẽ đâu bây giờ
viết rồi xoá bỏ
thơ đành mù chữ
mà hát ầu ơ!
sau thời khổ sở
đời mở đường thơ
Diên Sanh thế đó
bừng dậy không ngờ?
Diên Sanh ngày xưa
lấp vùi trong cỏ
vượt lên khốn khó
chồi lại xanh mùa
Diên Sanh ngày xưa
nôi ta tuổi nhỏ
Diên Sanh bây giờ
cho thơ ngọn gió?
1988
TỪ CÂU NÓI NGÂY THƠ CỦA CON
kính tặng o Loan của Bé
o Loan giờ ở đâu?
– ở bên Mỹ… Mỹ Chánh…
– ờ, dù xa, xa lắm
cũng gần như vậy thôi…
trăm lo toan bối rối
khi sống giữa xứ người
vẫn thương về nhà cũ
hiểu con là nguồn vui…
o xa vẫn gần thôi
bao đêm mơ của Nội
o bồng con, cười nói
như chưa hề xa xôi
o xa vẫn gần thôi
nụ cười o để lại
nụ cười ấy, o mơ
trên môi con nở mãi.
1989
LỜI THIÊNG
ngỡ lòng tan nát chai mòn
thương con ba gắng xanh non cách nhìn
tìm xem truyện cổ thần tiên
nghe con bập bẹ lời thiêng đầu đời
bà bà mẹ mẹ ba ơi
tiếng yêu thương toả sáng ngời đôi môi
bà ơi mẹ ơi ba ơi
ngọn nguồn cái đẹp cũng lời đầu tiên
theo con ra cửa, trông lên
cùng con tập nói trước thềm tương lai.
1988 – 1989
BÀI THƠ RU BÚP BÊ
cho Phú và con
chưa đầy mười tám tháng
con đã biết ru em
ngân điệu hò vạn cổ
với tay đưa rất mềm
cũng nhịp nhàng êm êm
con hò rồi con dỗ
mắt búp bê cứ mở
cho con ru, ru hoài
thơ của ba đôi bài
dăm khúc ca quê ngoại
thấm vào hồn thơ dại
giờ con ru búp bê
nội mỉm cười ngồi nghe
mẹ đứng bên nhắc khẽ
(thơ ba làm vụng thế
cũng được thành ca dao!)
con đáng yêu biết bao
với điệu ru muôn thuở
cho chiếc nôi bé nhỏ
như trôi trên vô cùng
có chi là lạ lùng
con chưa tròn giọng nói
sao tiếng ru nguồn cội
cứ hồn nhiên à ơi
mấy phần tâm hồn người
đã tượng từ lòng mẹ
mấy phần xa hơn thế
tự nghìn xưa, bao đời
cứ ru đi, à ơi
đến búp bê bằng nhựa
cũng có tim rực lửa
toả chất thơ tình người
cứ ru đi, à ơi
con ru đi, à ơi…
1990
CÒN LẠI MỘT CHÚT HOANG TƯỞNG
mẹ đi khắp chợ rồi
chẳng nơi nào có cả
phố phường thì xa quá
quê hương đủ thứ nghèo
ba dành một buổi chiều
đạp xe đi Thành Cổ
tìm hoài mới ra chữ
mua về cho con chơi
mừng quá thấy con cười
nhìn hai tư chữ cái
nhưng rồi, không thích mấy?
hay chữ ít sắc màu?
ba chẳng biết làm sao!
hay tuổi con quá nhỏ
chưa hiểu trong chừng đó
là tất cả trên đời?
hay chữ mất thiêng rồi
chữ khô khan? léo lắt?
chỉ thích chơi với đất
đất chân thật thôi sao?
hay ba vẫn điên đầu
cứ như còn hoang tưởng?
chuyện nào có chi đâu
mà thắt lòng đau đớn!
1990
ĐÁNH THỨC
giai điệu nào quen quá
ở trong tôi bao giờ
hay tự thuở làm thơ
thương mắt ai buốt giá
hay rơi vào giấc mơ
một đêm trong quán lạ
hay vẳng từ hoa lá
chiều cao nguyên, tình cờ
từ ảo tượng run mờ
của cơn điên vật vã…
tôi ngồi nghe, hoá đá
tiếng đàn ai, không ngờ…
1990
NƠI ĐÂY LÀ NƠI ĐÂU
kính tặng BV. Tâm thần Hoà Khánh,
84 và 85 (*)
chung quanh, thành và rào
cửa sắt lạnh lùng đóng
bên ngoài kia, cõi sống
còn nơi đây là đâu?
thần kinh ai rối nhàu
ảo giác ai lạnh ớn
hoang tưởng ai rùng rợn
địa ngục có thật sao?
có thật tự trời cao
những thiên thần áo trắng
đã xuống trần thầm lặng
bên người điên khổ đau?
nơi đây là nơi đâu?
không phải là cõi chết
không phải điên là hết
không phải không phải đâu…
1990
Cước chú của bài ”Nơi đây là nơi đâu”:
(*) Đây là một bài trong chùm thơ viết về những bệnh nhân tâm thần sau vài chuyến “bị đi thực tế” (!) của tác giả. Về năm, chính xác hơn là 1983 và 1984.
NGHĨ VỀ “KHÁT VỌNG SỐNG”,
TẠ ƠN ANH EM VAN GỐC (*)
1.
bàn tay nâng chiếc cọ
hoá chồi búp tươi non
khung vải thành tâm hồn
hoa sáng bừng ở đó
ông vẽ lại phần số
từ kiếp sống tủi hờn
giờ hướng dương rực rỡ
vàng rực trái đất tròn
ôi thằng điên áo sờn
bị nhạo báng, chối bỏ
“khát vọng sống” cứ còn
ngờ đâu, đến muôn thuở
Têô (**) – trái tim đỏ
trên vòm trời chon von
để cái đẹp bung nở
cõi người ta đẹp hơn
2.
mẹ và chị và vợ
đời tôi có cả con…
“bệnh” hoang tưởng cuồng nộ
dù dịu đi từng cơn…
tận cùng đau lẫn khổ
chẳng đành chịu héo hon
tôi cũng chỉ là cỏ
trên đất thơ xói mòn!
mươi năm sau, nấm mộ
cỏ có được xanh rờn
kẻ chiến bại mệnh số
mộng sáng tạo, vùi chôn?
quên hết, sao quên ơn?
đời cho bao mối nợ
quên hết, sao quên ơn?
chết, hai mắt vẫn mở?
1990
Cước chú của bài ”Nghĩ về “khát vọng sống”, tạ ơn anh em Van Gốc”:
(*) Van Gogh, hoạ sĩ Hà Lan.
(**) Théo, anh trai của Van Gogh.
TẠ ƠN THẠCH HÃN
mồ hôi bao đời đã chảy thành sông
chảy ròng ròng giữa thiên nhiên nghiệt ngã
chảy tự chất người nghìn năm cứng bền như đá
đá đổ mồ hôi ngỡ mặn xót lòng
ơi Thạch Hãn Thạch Hãn
giữa trưa này, đi qua sông ngập nắng
sông mồ hôi kia vẫn chảy ròng ròng
tôi hiểu thêm chất triết chất thơ
sâu lắng mênh mông
đã bừng sáng vòm trời Quảng Trị!
Thạch Hãn ơi
tên sông có phải cha ông từng ngẫm nghĩ
hay tứ thơ hồn nhiên
chợt vút lên
từ chất xam chói loà chất đá
từ chất sống ngời ngời mồ hôi ròng rã?
qua bao thời
đá đổ mồ hôi
giữa nắng gió cháy nồng
giữa bão mưa buốt giá
và bây giờ, Thạch Hãn ơi
chất đá chất người chất thơ chất triết
sẽ chảy thắm những dòng chữ viết
như bao đường kênh, hoà thấm mạch đời
chất Thạch Hãn tuyệt vời
cho cả những kiếp người vật vã…
từ xa xưa, Thạch Hãn Thạch Hãn ơi
với thiên nhiên nghiệt ngã
đá đổ mồ hôi
và chẳng nghiệt ngã huỷ diệt nào
khiến đá chảy ròng
thành sông nước mắt
dù ngầu máu, đặc lềnh những xác
dù thuyền lúa thuyền hoa chìm đắm nghẹn dòng
dòng sống lại trôi
dòng sáng tạo lại trôi
sông mồ hôi lại thẳm sâu cất lên câu hát
trĩu nặng, bát ngát…
lặng thầm, cao trong…
mang nỗi đau hoá đá giữa lòng
nhưng chất Quảng Trị trong mình
có chút nào không
cùng gió mới, giữa trưa này, qua sông
hồn Thạch Hãn bảo tôi mỉm cười ngẩng mặt (*).
1990
Cước chú của bài ”Tạ ơn Thạch Hãn”:
(*) Trong một số thư tịch, như ”Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, hai chữ ”Thạch Hãn”, thường được viết với mặt chữ Hán có nghĩa là sự chặn lại, cản lại của đá [đối với dòng chảy của sông, làm sông chảy lệch dòng hoặc chảy xiết]. Tuy nhiên, Thạch Hãn với ý nghĩa mồ hôi đá vẫn được nhiều người mặc nhiên cảm nhận và đinh ninh với ý nghĩa triết luận như thế. Tôi thiên về ý nghĩa thứ hai như tứ thơ đã thể hiện. Ở đây không phải là vấn đề khoa học hay không.
(Chú thích năm 2005. TXA.)
CHO MÌNH VÀ CHO NHAU
”Tất Đạt Đa phải rời cung thành Phật
bởi chỉ ngai vàng đâu cứu được con người”
TXA.
nhập thân bao nỗi khổ buồn
thành từng pho tượng qua hồn nghệ nhân
muôn đời tố cáo trầm luân…
tượng còn nguyên đó, vô ngần đau thương!
cũng như La Hán Tây Phương
thiền sư ra trận, “xuống đường” (*) đó thôi
tiếng chuông ngân tự cõi đời
đau đời, đời ngộ nụ cười Phật hơn!
và bao người giữa đời thường
lòng nhân văn chẳng trầm hương siêu hình
không nương tựa những câu kinh…
vẫn chiêm ngưỡng tượng cho mình cho nhau
nhà thơ hôm nay mai sau
dù vơi gánh nặng khổ đau thuở nào…
xin tiếng chuông sâu và cao
vang từ gan ruột, vọng vào trang thơ…
1985 – 1990
Cước chú của bài ”Cho mình và cho nhau”:
(*) “Xuống đường”: biểu tình phản đối trên đường phố.
(Chú thích, 01. 3. 2005)
TRỐN VÀ GẶP
từng mẩu nhạc đứt nối như vọng về
từ cõi nào buồn thảm
những giọt cà phê đen hơn bao giờ
tìm thư giãn bên bờ sông
gió bất ngờ đắng chát
tôi ra đây thêm khùng dại điên rồ (*)
gầm cầu kia, thành nơi che nắng che mưa
không che nổi những xác người đứng ngồi khốn khổ
sống không cửa không nhà hoá hoang dã cổ sơ
lên ba rầu rĩ già nua, ba mươi ngẩn ngơ trẻ nhỏ
đất nước nghèo nhưng vẫn còn đất ở
cao nguyên xanh vẫn chờ người?
đã trôi giạt đến đâu,
sao lại về dưới gầm cầu thành phố
bán vé rủi may, làm điếm, bụi đời,
vắt khô nước mắt mồ hôi!
ra ngồi đây tìm chút thảnh thơi
chút xanh trong của trời và nước
cũng chỉ là người,
tôi chạy trốn khổ đau tâm hồn và thể xác
là người, tôi cũng thèm hồng hào
sung sướng yên vui
ai tìm chi địa ngục dưới bánh xe và chân người
địa ngục trong tia nhìn thương hại
địa ngục nơi bàn tay xua đuổi
địa ngục từ tiếng khóc đòi ăn giữa cổ họng há to
rẫy nương xanh có còn tươi đẹp giấc mơ
nếp tranh vàng mảnh vườn hoa trái
có phải quỷ ma đâu sao sợ hãi thiên đường?
thiên đường đơn sơ vì ai không dựng nổi?
trời nước rợn buồn nhợt tái
nhạc rối bời xáo trộn quặn lòng
tôi thảng thốt đến gần, như kẻ vô công điên dại
những đôi mắt lạnh tanh ơi,
cho tôi được chuyện trò không?
choáng váng trước be cầu
hiện lên
nét chữ buốt lòng
nhoà gạch nhoà than, lại bằng sơn, khắc đậm
đập, đập vào trán quay cuồng: VÌ HOÀN CẢNH…
hình như tôi chắp tay, đầu rũ xuống?
khóc, cười khan?
1991
Cước chú:
(*) Chỉ là cách nói tu từ (mĩ từ pháp).
DÙ SAO
đã riêng rồi một đời riêng
nỗi điên đảo bớt đảo điên bao giờ
mùa đông rực nắng tình cờ
thấy em đứng đó, ngó lơ, mắt loà
đã xa rồi một đời xa
vẫn không nhạt nổi em và ngày xưa
thời tôi vừa tạnh bão mưa
tim ta mê muội bỏ bùa cho nhau
đã đau rồi một đời đau
cũng đành là vậy, bỗng đâu không đành?
em bồng con dưới cây xanh
đi qua lại muốn đi quanh, ghé chào… (!).
1991
THƠ Ở NHÀ THƯƠNG
tôi bước vào cõi khổ kiếp người
– nhưng đây là nhà thương,
nhà thương – tôi thầm nhắc
với “bệnh điên” và “bệnh mắt” (*)
tôi tỉnh táo nhìn ra phần kia – một góc tối của đời
bằng nỗi đau tôi thấm thía nỗi đau
tiếng rên la quằn quại hình hài co quắp
tủi nhục điên cuồng bật lên chuỗi cười sằng sặc…
hi vọng tuyệt vọng dìm xô nhau,
tự bể khổ tuôn trào
bệnh tật có từ lâu cái chết có từ lâu
là mặt kia của sự sống
vẫn mong người đừng gieo thêm cho người thương đau
khiến lẽ tự nhiên càng thê thảm
từ cõi khổ của kiếp người,
bao đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh
sự sống sinh ra từ cõi đau này!
chất người sáng tươi từ cõi buồn lạnh xám
trí tuệ và tình thương, đẹp quá nơi đây
đừng để luật nghiệt ngã của tự nhiên càng thê thảm
người đừng gieo cho người thêm vết thương đau
còn nơi đây là nhà thương – nhà của
yêu thương ? (**) – tôi thầm nhắc
được thấm ơn đời, tôi nào oán hận gì đâu!
1991
Cước chú của bài ”Thơ ở nhà thương”:
(*) Chỉ là cách nói tu từ (mĩ từ pháp).
(**) Nhà thương: nhà đau, nhà bệnh (bệnh viện).
(Chú thích ngày 03. 3. 2005)
CẢM NHẬN BÊN DÒNG SÔNG
lang thang dọc cửa sông khuya
tâm hồn đất nước hiện về như mơ
suốt ngày ngây dại sững sờ
dòng sông bỗng hoá dòng thơ chiều này.
TXA.
I. CỬA VIỆT
1
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn thẳm sâu
nắng phơi mái rạ buồm nâu
dáng ai tóc trắng ngẩng cao sáng ngời
bập bùng bếp lửa bừng soi
bên đàn cháu nhỏ, nụ cười an nhiên
như trăm truyện cổ thần tiên
nghìn câu dân dã sáng lên nụ cười
dáng ai in giữa biển trời
nghìn-năm đọng ở nụ-cười-trẻ-thơ
trời hồn nhiên đến không ngờ
ở nơi nguồn thẳm chạm bờ biển sâu
ở nơi sóng gió lao đao
trời xanh như lọc từ bao nỗi niềm
II. HỒN ĐẤT
2
lẽ đời, sinh – tử, buồn tênh
gậy thần chỉ sáng cái nhìn mù đau
(không có gì tan mất đâu
thấy trong gỗ mục nguyên màu chồi tươi
bàn tay in dấu vào đời
cho nghìn xưa sống với người nghìn sau)
với niềm khát vọng thẳm sâu
người mang sách ước đọc vào tự nhiên
con người bỗng hoá thần tiên
bởi rất người, rất tự tin chính mình
như từ trong thuở u minh
cánh tay người muốn nâng lên vòm trời
là hoa phải sáng nụ cười
người ta – hoa của đất trời – sáng lên!
3
trước giặc thu vẫn điềm nhiên
uy rồng ở nụ cười tiên Diên Hồng
từ dân, Gióng đẹp lạ lùng
lòng dân – trời rộng – anh hùng bay lên
hoà bình xanh ngát mông mênh –
tiếng đàn cho giặc trái tim con người
nồi cơm độ lượng không vơi
Thạch Sanh – rạng rỡ chất-người-rồng-tiên!
4
bài ca sức sống Kẻ Diên
hát trong tuyệt vọng, sáng thêm cách nhìn
oán thù, vẫn sẵn ngọt lành
bát nước đổ xuống, bưng lên, lại đầy
nhân tình, cười ấm lòng say
rất nhân hậu, nhẹ nhàng thay nụ cười
buồn, vui, cũng miếng trầu tươi
bâng khuâng thắm thiết hồng đôi môi người
5
trước trò hợm của trêu đời
trẻ thơ biết giá nụ cười, Bờm ơi!
6
Ba Phi cười rộng đất trời
trăm câu chuyện trạng cho người người hơn
cho loài chuột ngự ghế son
ngậm danh thiếp chạy đuôi cong trăm vùng
lòng thương trải đến muôn trùng
bia căm ghét cũng chập chùng nhân gian
khổ, nên cười lộng, cười vang
cười ngăn nước mắt hai hàng rưng rưng
7
cơ chi nắng sáng mọi hồn
có đâu Thị Kính ôm con trước chùa
đời đuổi xua, đạo đuổi xua
biết đâu đất sống, mưa lùa oan khiên!
Xuý Vân ơi, đời sáng lên
đời vui, đâu phải giả điên giữa đời
khát khao hạnh phúc con người
ngán lòng khô khốc, nhầm lời dối gian
có cần chi nắm cơm vàng
nỗi niềm bi đát chưa tan giữa dòng
còn gì để chọn bên sông
mang mang nước chảy, ròng ròng lệ trôi
thân bằng cuộn lá chợ-người
buộc hờ mà siết vòng đời xót xa
“đau đớn thay phận đàn bà”
bao ngâm khúc cũng nấc oà đàn môi
môi cười ấm giọt lệ rơi?
sum vầy? oan rửa? điên đời vẫn điên?!
ước ao mùa tốt xanh chiêm
giọt mồ hôi đổ mới nên hạt vàng
uất ức, giẫm nát tan hoang
trong tha hoá, nghèo gây oan cho nghèo
gặt rồi còn được bao nhiêu
ao khuya bắt ốc mò nghêu qua thời
đêm, còn cúi mặt dưới trời
ruộng giăng xiềng xích, làm người được đâu
“đòn tre chín rạn vai đau”
con đường lẩn quẩn nối nhau gánh gồng
“cái cò cái vạc cái nông...”
sợ dòng nước đục đau lòng cò con!
đành mong nghiệp báo xoay tròn
cơ chi thoát kiếp ngay trong một đời
thị vàng, quả thị vàng ơi
bao nhiêu cô Tấm mỉm cười, vời trông...
III. HỒN BÚT
8
thiền
xuân tàn, thân bệnh...
Vô thường!
cành mai sức sống nở bừng sân đêm
mọc từ khổ sợ lo phiền
đoá sen thanh tịnh nở trên lửa hừng
chiều thôn dã khói trầm hương
theo kinh siêu thoát như sương thấm lòng
bụt là bụt của ước mong
nụ cười toả sáng bếp hồng chiều hôm
9
Nguyễn Trãi
lắng mình, nghe tiếng non sông
đời bao bước ngoặt, tấc lòng sáng soi
gươm nhân nghĩa, giặc tan rồi
tự do, thông vút, máu rơi, đỏ cành!
vẫn lồng lộng ánh trăng thanh
nụ cười ưu ái, ngời xanh dáng tùng
10
Nguyễn Bỉnh Khiêm
lòng thênh thang, bước ung dung
vào đời, ẩn giữa triều cung với đời
chốn lao xao, mây nhẹ trôi
vẫn làn mây trắng bên trời quê xa
ra về, thơ vẫn ngâm nga
ngỡ là mây, hay mây là mình đây
hoà vào trời đất cỏ cây
ta trong mình, thiên nhiên này trong ta
tìm trong sắc nắng hương hoa
mùa nuôi sống với tinh hoa của mùa
càng thương đồng ruộng xác xơ
ghét loài cắn phá nên thơ vẫn nồng
cửa đời có một khoảng không
có khoảng không mới có khung cửa đời
chí vô vi như nắng trời
mong dân tự sáng cuộc đời, đời vui
lập am, ẩn một nụ cười
không quên chuẩn bị cho đời tương lai
niềm thơ dân dã không phai
tứ thơ mây trắng bay hoài đầu non
11
Nguyễn Du và Truyện Kiều
dẫu đau tiếng khóc oan hồn
dẫu đời quặn thắt đoạn trường tiếng kêu
nụ cười đọng cuối dòng Kiều
trong như ngấn nắng tuôn theo mắt người
“cuộc đời đến thế thì thôi”
cố tìm chút nắng cho đời trấn an
thương sao
ánh mắt lạc quan
nhoà trong sương-khói-chữ-tâm
nghẹn lòng
thương sao trang giấy chập chùng
thương dòng mực chảy lạnh nguồn xưa sau
kiếp người thê thiết đớn đau
những điều trông thấy đọng sâu nỗi niềm
thương ai se nắng trong đêm
gắng hừng nét mực, bấc đèn chơi vơi...
mắt nhìn thấu suốt nghìn đời
rưng rưng lấp loá nắng ngời trên nghiên...
cách chi cho nắng hồng thêm
mạch đời nào phải đứng yên cho đời...
thương ai trắng tóc ba mươi
khóc Kiều cười được với môi úa tàn...
người đến sau ba trăm năm
biết ai nhớ lại khóc thầm ai không?
đoạn trường sổ lệ ứa ròng
vua quan khơi mãi bao dòng đau thương
làm sao xoá lấp Tiền Đường
chảy mê tiềm thức tự nguồn trời xa
sao người thêm cõi người ta
nâng cành hoa gãy, giữ hoa bao vùng
khi Kiều mang phận đời chung
trỏ gươm phán xét, nắng hồng thật hơn!...
ngước lên Hồng Lĩnh chon von
cồn hoang, phiến đá trắng mòn, mồ chôn!
12
Nguyễn Đình Chiểu
phương nam! rời rã, mỏi mòn
đã mất mẹ, nước có còn, nước ơi
có đôi mắt cũng mù rồi...
vượt qua số phận, chân người cứng thêm!
ước mơ – ngọn lửa bùng lên
nung rèn gươm bút Vân Tiên giữa đời
từng đơn thuốc ấm tình người
với quê hương lại rạng ngời trái tim
đuốc nghĩa quân sáng niềm tin
từ trong dân dã, cái nhìn sáng hơn?
13
Nguyễn Văn Tường – Tôn Thất Thuyết
Dụ Cần vương dậy Trường Sơn
Giải Triều, trung nghĩa, tờ son gửi về
Bình Tây sát tả-tà-mê
cho Tân Sở – Huế tư bề hoa giăng
lễ tần viết sắc “hoà” ban
Tôn Thuyết chiến để Nguyễn Văn Tường đàm
Pháp tung cáo trạng bắc – nam
lưu đày Kì Vĩ, chết thầm đảo xa
súng rền, khâm sứ bôi nhoà
hòm tù đỏ, Hạnh Thục ca hoen vàng
vè Thất thủ giữa dân gian
giọng run lệch bởi chuông vang giáo đường
thơ Nguyễn Thượng Hiền buốt sương
thương thái phó, ngó sen vương, dặm về (*)
14
Nguyễn Khuyến – Trần Tế Xương
bơ vơ, về với làng quê
nụ cười Yên Đổ thoáng nghe thu buồn:
“cờ dở cuộc, bạc chạy lường”
quốc kêu khuya vắng máu tuôn thấm lòng...
rất riêng, vẫn một nguồn sông
chút tình non nước vọng hồn nước non
trách mình chi, buổi hoàng hôn
chao ơi, phỗng đá vẫn còn đó đây
lửa bùng, tắt nghẹn, đêm dài
mưa đời vây bủa như dây trói lòng
niềm đau buốt xót tận hồn
Tú Xương bật tiếng cười giòn, ngẩn ngơ
lạc đường, ngóng đến bao giờ
giật mình, lạnh tiếng gọi đò, đêm khuya
15
Phan Bội Châu – Mai Lão Bạng
mắc mưu Hữu Độ bùa mê
Khang, Lương (Đại Hán!), xoá thề Cần vương
Duy tân, theo Nhật, nghẹn đường
súng gươm Quang phục, tự cường, khôn nguôi
Mai Lão Bạng sống bên Người
sách kia ai sửa?!
Sai lời sắt son! (**)
gót chân ngang dọc chưa mòn
mắt sương Bến Ngự vẫn còn ngóng trông
xa xa một ngọn cờ hồng
nụ cười hi vọng ấm dòng sông Hương
16
lãng mạn thoát li
và cách mạng hiện thực
nát tan phân rã loạn cuồng
sương mù mịt vẫn mịt mùng bủa giăng
nụ cười nở sáng lòng dân
còn ai chưa tỉnh mà nâng lòng mình
thả đời trôi nổi lênh đênh
mờ mờ nhân ảnh in quanh lệ buồn
giọt nước mắt, trời tang thương
khác chi trái đất quay cuồng trong đêm
thuế máu sôi trào đất đen
sóng hồng vỗ gọi bao triền đá mê
bài ca cách mạng còn kia
ánh sao từ ấy, sương khuya, soi đường
vẫn chia dòng nước sông Thương
ngậm ngùi giấc mộng bình thường, rưng rưng
trăm cơn gió lốc mịt mùng
nghìn luồng gió xoáy không ngừng trong tim
còn ai ngơ ngác kiếm tìm
trong quằn quại, mắt ngợp nhìn hư không
trăng! trăng! trăng! trăng não nùng
hồn ai ớn lạnh sặc từng ngụm trăng
nhớ sao trưa nắng chang chang
bóng cô gánh thóc rực vàng đường thôn
“Cha! sao Cha đành bỏ con”
những mong sống lại tâm hồn Gái quê
xác thân mục rữa sần tê
nhớ ơi thôn Vĩ sao về mà thăm
nến lung linh huệ trắng ngần
trong ảo giác trăng chợt gần chợt xa
ôi vầng trăng Ma-ri-a
sáng như viên thuốc sáng loà hư vô
đức tin nghiệp chướng ngây ngô
niềm mất nước hoá giấc mơ kinh hoàng
thơ ai trên gạch tháp Chàm
mười bảy tuổi, vội Điêu tàn tóc xanh
bóng ma gào khóc chiến tranh
đau trong đau, đã kết thành, triệu năm
17
vết thương Bến Hải (1954 – 1975)
và Miền Nam
ôi Ma-ri-a Tố Chân
nắng hoà bình ấm khăn quàng yêu thương
Nhất Chi Mai – đuốc soi đường
cành hoa sức sống sáng bừng tự do
máu loang ngực áo học trò
mặt đường khát vọng rực bờ sông xanh
khúc da vàng, lửa mong manh
khói trời ngơ ngác toả thành nhạc kinh
hoa vô thường, sương lung linh
theo hương tìm cõi yên bình cho nhau
mây thênh thang giữa trời cao
lạc vào mộng tưởng, chìm sâu sông buồn
bao nước mắt, bao mảnh gương
ai đem ghép lại soi khuôn mặt mình
mong sao gương vỡ lại lành
nụ cười thêm sáng dưới vành trăng thiêng
18
hình tượng Mẹ Suốt
quãng đời cay đắng lênh đênh
lắng sâu mặt nước ngày đêm đưa đò
mái chèo mẹ Suốt nối bờ
đưa quân đi tự nghìn xưa đưa vào
mẹ cười sáng mỗi ngôi sao
sáng trên vầng trán sáng vào nước non
sao bay đỉnh gió Sài Gòn
có về soi lại tấm lòng mẹ không
IV. NỤ CƯỜI
19
sông nơi cửa sóng muôn phương
lắng niềm chớp bể mưa nguồn, chứa chan
giữa nơi lốc bão nghìn năm
lại làm lốc lặng bão tan cho người
và người thơ – ngọn thu lôi
nhận bao sấm sét giữa trời thương đau
dẫn truyền xuống tận đất sâu
mạch đời hoá giải biết bao nỗi đời
lọc từ nghìn thuở muôn nơi
lắng sâu toả rộng vòm trời bình yên
đọng thành nguồn sáng trong tim
trái tim đằm thắm hồng lên nụ cười
dẫu đi cuối đất cùng trời
trong lòng đã có nụ cười an nhiên
nghìn xưa còn đó hồn thiêng
phơ phơ tóc trắng bao miền nhân gian
nụ cười tự bốn nghìn năm
rạng ngời bản lĩnh lương tâm giữa đời
sẽ qua đi mọi rối bời
để thêm thanh thản nụ cười thẳm sâu! (***).
1985
Bên dòng sông Bến Hải, Do Linh (Gio Linh) và tại đình làng Kẻ Diên, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị;
Kỉ niệm lần thứ 100 Ngày Kinh đô quật khởi (1885 – 1985), và lần thứ 10 Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất Đất nước (1975 – 1985).
Cước chú của bài “Cảm nhận bên dòng sông”:
(*) 14 câu khúc 13 và 6 câu khúc 15 mới được bổ sung thêm, trong quý thứ tư, năm 2001. Ngoài ra, có một số khúc, số đoạn, được phục hồi lại theo bản gốc của tác giả. TXA.
(**) Xem chú thích (*). Mai Lão Bạng là một tu sĩ Thiên Chúa giáo (bậc thầy năm), ở Nghệ An, người đã cùng Phan Bội Châu, linh mục Đậu Quang Lĩnh (Đỗ Lệnh) đề xướng thành lập Duy tân Giáo đồ hội từ 1903. Ông là một trong số ít giáo sĩ Thiên Chúa giáo lớp sau có tư tưởng và hành trạng chống Pháp, nhưng ông rất căm ghét những lãnh tụ Bình Tây sát tả thế hệ trước ở Triều đình Huế. Xin xem: Trần Xuân An, "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886),'những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được'", Tạp chí điện tử Giao Điểm, số tháng 5-2005, http://www.giaodiem.com/ . TXA.
(***) Bài thơ dài "Cảm nhận bên dòng sông" này, tác giả đã sử dụng lại ở cuốn tiểu thuyết MÙA HÈ BÊN SÔNG, các bản 2000, 2001 và 2003 (gồm cả phần khảo cứu phụ lục). Tiểu thuyết ấy là những suy nghĩ về cuộc chiến tranh – cách mạng 130 năm gần đây (1858 – 1975 – 1989), tập trung vào giai đoạn 1945 – 1975, đặc biệt là 21 năm chia cắt Đất nước (1954 – 1975) và thời hậu chiến. TXA.
MỤC LỤC
◘ Lời giới thiệu của Hoàng Phủ Ngọc Tường
◘ Lời thưa của tác giả (Trần Xuân An), nhân dịp chép lại bản “Nắng & Mưa” xuất bản lần thứ nhất…
1. Tóc bay sương trắng
2. Tiếng chuông xưa
3. Ruộng đất yêu dấu
4. Bài tháng giêng
5. Người đàn bà giữa vùng rừng khai hoang
6. Kính nhớ Pablô Nêruđa
7. Tạ ơn mảnh đất quê nhà
8. Ánh trăng đầu xóm
9. Giọt sương
10. Vì sao
11. Giếng hoang
12. Thưa với mẹ
13. Tôi mãi hoài tìm kiếm
14. Bài mơ
15. Một chút tự trào
16. Trăng ngoài trời, trăng trong nhà
17. Bài ca Diên Sanh
18. Từ câu nói ngây thơ của con
19. Lời thiêng
20. Bài thơ ru búp bê
21. Còn lại một chút hoang tưởng
22. Đánh thức
23. Nơi đây là nơi đâu
24. Nghĩ về “khát vọng sống”, tạ ơn anh em Van Gốc
25. Tạ ơn Thạch Hãn
26. Cho mình và cho nhau
27. Trốn và gặp
28. Dù sao
29. Thơ ở nhà thương
30. Cảm nhận bên dòng sông
Biên tập: TẠP CHÍ CỬA VIỆT
Bìa: NGUYỄN THÁI TUẤN
Chân dung
Trần Xuân An,
do Lê Quang Thỉ kí hoạ.
Lời giới thiệu của Tạp chí Cửa Việt ở bìa 4:
Đã in thơ trên các báo văn nghệ trong nước từ năm 1975. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ Giải phóng năm 1976 (*). Ngay từ lúc mới xuất hiện, Trần Xuân An đã thu hút sự chú ý của công chúng bằng ngôn ngữ tinh lọc và dịu dàng, hé mở một nội tâm toả sáng, nhân hậu. Tập thơ “Nắng và Mưa” gần 200 bài, mải miết suốt 15 năm thời tuổi trẻ gian khổ của anh, theo chúng tôi là một tập thơ hay, hi vọng sớm được ra mắt bạn đọc.
(Tạp chí CỬA VIỆT, số 5 – 1990)
Cước chú ở tr. B (bìa 4):
Xem Lời thưa… (viết ngày 28. 02. 2005).
(*) Đúng ra là 1975.
(Tác giả đính chính, 02. 3. 2005).
Chép vào máy vi tính từ bản đã xuất bản:
ngày 28 tháng 02. 2005 – ngày 03. 03. 2005.
Ghi chú về tác giả:
Trần Xuân An
Sinh ngày 10. 11. 1956 tại Huế;
Nhân tộc: Kinh (Việt Nam);
Quê gốc: Quảng Trị;
Tốt nghiệp khoa ngữ văn Việt ĐHSP. Huế (1974 – 1978);
Dạy học tại Lâm Đồng, 1978 – 1983;
Hiện nay, chuyên sáng tác, nghiên cứu
(Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.).
1971, cùng bạn bè chủ trương tập san Đất Vàng, trong giới học sinh ở Tam Kỳ (Quảng Nam – Đà Nẵng), với bút hiệu Huyên Đình (Người Mẹ).
1973, “Tiếng chuông xưa” , bài thơ lãng mạn đầu tiên in trên Tuổi Ngọc.
1975, được tặng thưởng “Một trong mười bài thơ hay nhất trong năm” của báo Văn nghệ Giải phóng.
1991, giải Sáng tạo trẻ, Hội VHNT. Quảng Trị.
DANH MỤC
TÁC PHẨM, SOẠN PHẨM, BIÊN KHẢO
CỦA TÁC GIẢ
(tính đến 2005)
Tác phẩm đã xuất bản và đã đăng kí bản quyền tại Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam:
1. Nắng và mưa, thơ, Hội VHNT. Quảng Trị, 1991.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap1.blogspot.com/
2. Hát chiêu hồn mình, thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap2.blogspot.com/
3. Tôi vẫn ở trên đường, thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1993.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/
4. Lặng lẽ ở phố, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap4.blogspot.com/
5. Kẻ bị ném vào bão, thơ, Nxb. Trẻ, 1995.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap5.blogspot.com/
6. Hát với đời ơi thương mến, thơ, Nxb. Trẻ, 1996.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananthitap6.blogspot.com/
7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ Tp. HCM., 1998.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantruongcatho7.blogspot.com/
8. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanancmnlamaixanh.blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.blogspot.com/
9. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuananngoitruongthgieng.blogspot.com/
10. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/
11. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM.
http://www.giaodiem.com tháng 11-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1105_index.htm
12. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; NXB. Văn Nghệ TP. HCM., 2005
http://www.giaodiem.com tháng 7-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/705_index.htm
Tác phẩm đã hoàn tất bản thảo:
13. Mùa hè bên sông (Nỗi đau hậu chiến), tiểu thuyết, 1997; hai bản đã sửa chữa và bổ sung, 2001 (lần hai) và 2003 (lần ba).
Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com tháng 6-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm
14. Thơ những mùa hương, thơ.
Blogger tháng 11-2005
http://tranxuanantthitap9.blogspot.com/
http://tranxuananthitap9.blogspot.com/
15. Giọt mực, cánh đồng và vở kịch điên, thơ.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
16. Nước mắt có vị ngọt, tập truyện ngắn, 1999.
http://www.giaodiem.com tháng 10-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_IV05/1005_index.htm
Soạn phẩm biên khảo đã hoàn tất bản thảo:
17. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), thơ – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003.
http://www.giaodiem.com tháng 8-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
18. Tiểu sử biên niên Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – “kẻ thù lớn nhất của chủ nghĩa thực dân Pháp” (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001.
19. Những trang Đại Nam thực lục về Kì Vĩ phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) và các sự kiện thời kì đầu chống thực dân Pháp… (Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổ Phiên dịch Viện Sử học VN.), chọn lọc, phần II, 2001.
20. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003. Website Giao Điểm:
http://www.giaodiem.com
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_index.htm
21. Suy nghĩ về một số vấn đề trong lịch sử cổ đại nước ta, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
Địa chỉ:
71B Phạm Văn Hai,
Phường 3, quận Tân Bình
(cửa hiệu PHAN HUYÊN)
TP. HCM.
ĐT.: 08.8453955
& 0908 803 908
Email: tranxuanan_vn@yahoo.com
TRUY CẬP THÊM CÁC ĐỊA CHỈ WEBs/ BLOGs
(Xin bấm vào LINKs sau đây):
http://tranxuananthitap9.
blogspot.com/
http://tacphamtranxuanangiaodiem.
blogspot.com/
http://tranxuananngoitruongthgieng.
blogspot.com/
http://tranxuanansendobthhbinh.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap4.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap3.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap6.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap9.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap2.
blogspot.com/
http://tranxuanantruongcatho7.
blogspot.com/
http://tranxuananthitap5.
blogspot.com/
http://tranxuanantthitap1.
blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan.
blogspot.com/
http://tranxuanantieuluan9b.
blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaixanh.
blogspot.com/
http://tranxuanancmnlamaix2.
blogspot.com/
HOẶC CÓ THỂ BẤM VÀO DÒNG CHỮ
WIEW MY COMPLETE PROFILE
Ở BẢNG ABOUT ME
ĐỂ ĐỌC NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC CỦA TÁC GIẢ
TRÊN WEBs / BLOGGER.
NGOÀI RA, CÓ THỂ TRUY CẬP THÊM
CÁC TÁC PHẨM SÁNG TÁC, KHẢO LUẬN, BIÊN SOẠN CỦA TÁC GIẢ
TRÊN TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ GIAO ĐIỂM
(Xin bấm vào các đường LINKs sau đây):
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/605_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/705_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/805_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/905_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1005_index.htm
http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_IV05/1105_index.htm
Trân trọng và cảm ơn.
TXA.